Cũng bình thường thôi
Đoạn cuối trong bài phát biểu của thầy giáo David McCollough tại buổi lễ tốt nghiệp của trường trung học Wellesley nhấn mạnh: " Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình chẳng có gì là đặc biệt".
Khi ta tự ti mặc cảm thì người hiểu biết sẽ giúp ta tưới tẩm vào hạt giống tự tin và tự hào về bản thân. Khi ta cố bắt chước cho giống người khác, chạy theo đám đông mà không có chủ kiến hay lối đi riêng phù hợp, thì người hiểu biết sẽ bảo ta phải thể hiện cá tính. Khi ta mải mê chạy theo những hào nhoáng hấp dẫn nhất thời rồi bỏ bê tâm hồn, mà tâm hồn mới quyết định nên hạnh phúc, thì người hiểu biết sẽ khuyên ta quay về khơi dậy những giá trị quý báu bên trong. Khi ta chỉ lo vun vén quyền lợi cá nhân thì người hiểu biết sẽ đánh thức tố chất biết quan tâm và chia sẻ đến mọi người, họ gọi đó bằng những mỹ từ như nhân từ, bác ái hay bồ tát. Khi ta thấy mình không thể chấp nhận và tha thứ cho một người tệ lậu nào đó, thì người hiểu biết sẽ giúp ta tin vào khả năng nới rộng dung lượng trái tim, gọi đó là hành động cao thượng.
Chứ thực ra có làm được những điều đó thì cũng bình thường thôi!
Bởi vì trên đời này có biết bao con người tài năng, tấm lòng quảng đại, đã đóng góp lớn lao cho nền an ninh, hòa bình và ấm no hạnh phúc của nhân loại. Họ làm như chơi, như một phần sinh hoạt tự nhiên của cuộc sống, mà không cần ai biết, tán thán, hay ban tặng cho những tước hiệu gì cả. Ta đã từng gặp họ chưa? Họ là những tượng đài lớn mà khi đứng bên cạnh họ, ta mới thấy mình nhỏ nhoi đến dường nào. Nhìn lại xem, ta đã làm được gì mà tỏ ra ghê gớm đến nỗi phải gào thét lên cho thiên hạ biết vậy? Đã giúp được cho ai mà lại ra vẻ bề trên như một đấng cứu thế vậy? Tự tin quá mức phần lớn đều là sản phẩm của tâm trí nông cạn, chấp thủ, vô minh.
Nhìn kỹ vào đóa hoa hồng, ta thấy nó được làm bằng những thứ không phải là hoa hồng. Có phải ánh năng, mưa gió, không khí, đất đai, khoáng chất, nước, phân bón, côn trùng và vô số yếu tố khác nữa đều là phi hoa hồng, chẳng có liên quan gì tới hoa hồng, nhưng nếu không có chúng thì không có gì là hoa hồng cả? Hoa hồng có mặt không phải từ một yếu tố, mà nó đến từ hợp thể vô ngã - không có chủ thể riêng biệt. Hoa hồng chỉ là biểu hiện, đại diện cho một phần tổng thể vũ trụ.
Con người cũng không khác, cũng được làm bằng hợp thể phi ngã. Có phải những giá trị tốt đẹp trong di truyền như sự hiểu biết, tài năng, đạo đức,... là của ta không? Có phải các yếu tố thiên nhiên không ngừng nuôi dưỡng ta, không khác gì mấy đối với hoa hồng, là của ta không? Có phải các điều kiện ổn định của nền chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội, tôn giáo,... cũng không thể tách rời với đời sống của một cái ngã được ta đề cao không? Có phải những thành công rực rỡ kia là tổng công sức của rất nhiều sự kiện, rất nhiều thuận duyên lẫn nghịch duyên, rất nhiều con người yểm trợ và cả chống đối không? Chỉ cần lấy hết không khí ra khỏi ta là ta đã chết ngủm rồi thì cái gì là ta, cái gì làm nên cái tôi hơn người, đặc biệt, phi thường kia chớ?
Có đặc biệt thì cũng chỉ đặc biệt ở một lĩnh vực nào đó, có hơn người thì cũng hơn trong nhóm người nào đó, có phi thường thì cũng là vài hành động nhất thời nào đó. Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, tất cả cũng đều tàn phai theo năm tháng, thậm chí trong thoáng chốc. Đặc biệt, phi thường, cũng có thể trở thành bình thường đến tầm thường vì những biến đổi bất chợt của hoàn cảnh hay của chính tâm hồn. Mà suy cho cùng thì tất cả cái đặc biệt hay phi thường kia cũng đều là một phần của tổng thể vũ trụ, vì không thể tách rời vũ trụ mà thực hiện được những điều đó.
Albert Einstein đã từng thẳng thắn: " Chỉ có hai cách để sống trong cuộc đời này: một là thấy không có gì là mầu nhiệm; hai là thấy cái gì cũng là mầu nhiệm". Nếu ta thấy mình là đặc biệt thì ai cũng là đặc biệt, còn thấy ai cũng bình thường thì ta cũng bình thường luôn. Đó là cái thấy bình đẳng, không còn bị kẹt vào những dị biệt của hình tướng hay hiện tượng, đã chạm đúng vào quy luật vận động của vũ trụ.
Thiền sư Triệu Châu ( 778 - 897) từng khai thị học trò: " Bình thường tâm thị đạo". Đạo chính là sống được với tâm bình thường. Tâm bình thường, theo thiền sư, là tâm không còn phân biệt, không ưa thích cũng không ghét bỏ, không tham cũng không sân, không chọn lựa cũng không né tránh. Hợp thể con người nào cũng có chứa tập tính đó, nhưng vì phần bản năng sinh tồn và tự vệ bị thúc đẩy và tưới tẩm quá mức, nên từ rất lâu rồi thậm chí là ta cũng không còn nhớ còn biết mình vốn có những tố chất đó. Hành thiền chính là hành trình thiết lập lại tâm bình thường ấy.
Tâm bình thường chính là tâm vô ngã, tâm tự do tuyệt đối. Rất quý giá. Nên ta không cần phải cố gằng làm cho mình khác thường chi cho mệt. Như thầy giáo David McCollough đã nhắn nhủ với các em học sinh bé nhỏ của mình rằng niềm vui ngọt ngào nhất không phải là vun vén cho quyền lợi cá nhân hay trở thành người nổi bật gì gì cả, mà đó là thấy mình thật bình thường. Không biết các em ở tuổi 18 có hiểu gì không, vì em nào cũng đang háo hức trở thành nhân vật này, ngôi sao nọ. Cầu may vậy! Lời nhắc nhủ ấy có thể là dành cho tất cả những ai có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp hôm đó, từ nhà trường cho đến phụ huynh, và cả chúng ta ở rất xa, hôm nay.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm Như Chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.