Hãy cứ là đóa hoa

  Khi nghiên cứu hành vì của loài tinh tinh ở châu Phi, Tiến sĩ Jane Goodall đã phát hiện ra một sự thật bất ngờ. Đó là lần nọ một con tinh tinh thử nghiệm thành công ý tưởng dùng cành củi khô để khều côn trùng nằm sâu trong hốc cây, trước sự chứng kiến đầy ngạc nhiên của vài con khác. Thế là vài ngày sau đã có vài con bắt chước hành vi này, rồi cuối cùng cả đàn dùng que củi làm công cụ lấy thức ăn.

  Tiến sị Ken keyes, Jr cũng đã phát hiện ra sự chuyển biến đáng kinh ngạc trong hành vi xã hội của đàn khỉ Nhật Bản trên đảo Koshima. Khi các nhà khoa học ném khoai lang vào bờ cát, chỗ đàn khỉ đang sinh sống, thì một con trong số đó nhặt củ khoai lên và ra suối rửa sạch trước khi ăn. Thế là chẳng bao lâu tất cả bầy khỉ trong đàn cùng nhau thực hiện động tác rửa thức ăn trước khi ăn. Điều đáng nói hơn là một thời gian sau, các con khỉ thuộc giống này trên những hòn đảo khác ở quần đảo Nhật Bản cũng bắt đầu rửa sạch củ quả trước khi ăn mặc dù không có con khỉ nào ở đảo Koshima đi sang các hòn đảo khác.

  Theo Tiến sĩ Ken và các nhà khoa học, những hành vi  trên đã phá vỡ nhận thức xưa nay rằng các loài động vật đã phá vỡ nhận thức xưa nay rằng các loài động vật cấp thấp hơn con người không thể suy nghĩ một cách logic và thiếu cách thức giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, chúng đã cho ta nhìn thấy một sự thật vĩ đại, đó là sự truyền cảm tư duy, kết nối với nhận thức vũ trụ.

  Khi ta sẵn sáng tiên phong hành động đúng, như ý thức xếp hàng đàng hoàng, tôn trọng luật giao thông, không gian lận thì ta có thể chịu chút thiệt thòi và những người xung quanh hưởng lợi. Nhưng ta đã chứng minh cho đám đông thấy là họ cũng có thể hạnh phúc khi xếp hàng, tuân thủ luật giao thông hay không gian lận. Khi cảm hứng được truyền đi thì sớm muộn gì tất cả sẽ cùng làm, vì sẽ cùng hưởng chung quyền lợi. Cũng có nghĩa là khi không ai làm, chấp nhận cái gọi là " cân bằng xấu", không ai muốn thoát khỏi tình trạng xấu, thì dĩ nhiên sẽ phải chịu chung kết quả tồi tệ.

  Huống chi, theo nguyên lý truyền cảm tư duy, tất cả những gì ta tạo ra từ những ý tưởng cho đến những hành động đều không mất, chúng có thể được truyền dẫn đến người thân, gia đình, cộng đồng, và cả giống nòi. Chỉ có điều là đối với loài khỉ thì phải đợi đến con thứ 100 mới xảy ra hiệu ứng, còn với người thì không biết cần tới số lượng bao nhiêu? Nhưng dù sao, nguyên lý này đã củng cố thêm niềm tin vững chắc rằng khi ta cố gắng tạo nên những cộng đồng nho nhỏ hòa hợp và yêu thương là ta đang truyền đi chất liệu và sức mạnh để tạo nên sự thay đổi của cả một dân tộc. Một con bướm còn có thể góp phần tạo nên trận lốc xoáy thì tại sao ta không dám tin mình có thể góp phần tạo nên nền dân chủ, hòa bình cho dân tộc và cả nhân loại?

  Hãy cứ là đóa hoa. Cứ nở và tỏa ngát hương. Đừng chờ đợi ai. Ai cũng là hoa, nên sớm muộn gì luật tương tác cũng sẽ giúp ta mang năng lượng lành đến đánh thức những nụ hoa khác. Đóa hoa đầu tiên bao giờ cũng là đứa con cưng của trời đất. 

 

Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm

# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi, # MinhNiem,