Làm một quyết định
Người xưa khuyên ta hãy " tam tư" trước khi đưa ra một quyết định. " Tam tư" là suy nghĩ ba lần, hoặc ít nhất là ba lần, nhưng phải tại những thời điểm khác nhau.
Có thể trong suy nghĩ lần đầu có sự chi phối của cảm xúc, của cả nể, nhất là khi có đối tượng cần ta làm quyết định đang ở ngay trước mặt. Nhiều khi chỉ vì muốn lấy lòng, sợ người đó buồn mà ta đã quyết định chớp nhoáng. Nhìn có vẻ như quyết đoán nhưng thực ra là ta đang bị tác động bởi ngoại cảnh, yếu lòng, muốn phóng thích mau lẹ cảm giác khó chịu để được dễ chịu mà bất kể hậu quả.
Ham thích nhất thời cũng tạo ra cảm xúc dây dưa ngày này qua ngày khác. Công việc hay đối tượng đó có thể là niềm mong mỏi từ lâu, hoặc nó đã từng là một phần của đời sống của ta trước đây, mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nên khi dữ liệu được đưa vào tâm thức là khơi dậy ngay cảm giác ngọt ngào thân quen, hoặc ít nhất là cảm thấy an toàn. Trong khi mọi thứ đều luôn biến dịch, cả ta và đối tượng, nên không hẳn khi ráp lại là ta có thể gặt hái kết quả tốt đẹp như trước đây.
Ngược lại, nếu dữ liệu nhận được là những điều không chờ đợi, từng để lại những ấn tượng xấu hay thậm chí tạo thành những vết thương sâu nặng bên trong, thì chỉ cần nhắc đến tên đối tượng hay sự việc là bao nhiêu ký ức đau buồn tràn về, tạo ra cảm giác rất khó chịu khiến ta đóng cửa lòng lại ngay lập tức. Trong khi đối tượng ấy có thể đã hoàn toàn thay đổi, ta cũng đã cứng cáp và tỉnh táo hơn. Cho nên không khéo quan sát thì ta sẽ không nhận ra thứ thành kiến xấu này là nguyên nhân cản trở, khiến ta không dám quyết định hay lại từ chối thẳng thừng một cơ hội tốt.
Phải cần thời gian và cả không gian để cho cảm xúc lắng xuống, và khi lý trí được tự do thì ta sẽ dễ có được cái thấy sáng suốt. Nhưng cũng chưa chắc. Vì lý trí là một đống kiến thức và kinh nghiệm tích lũy khổng lồ nên không dễ gì nhìn vào là biết lấy cái gì, kết hợp cái gì, đối chiếu cái gì, .... để cho ra quyết định đúng đắn nhất.
Như khi căng thẳng thì ta không nghĩ được gì cả, mọi thứ cứ rối mù. Căng thẳng là do áp lực phải tìm ra ngay giải pháp, do tần suất suy nghĩ quá dày đặc đến mức không có khoảng trống, bị cuốn hút hoàn toàn vào dòng suy nghĩ, tập trung quá cao độ. Như đã từng nói, nhiều khi không suy nghĩ không tư duy thì mới nhìn ra vấn đề. Bởi vì khi ấy ta có sự thư giãn, định tĩnh, sáng suốt nên không khó để lấy ra những gì mình đã biết trong kho chứa tâm thức; ngoài ra có những thứ trước giờ ta chưa hề biết nhưng nhờ năng lực tỉnh thức soi rọi mà có thêm những cái thấy mới mẻ bất ngờ.
Trong quá trình suy nghĩ để đưa ra quyết định, dù đã loại trừ yếu tố cảm xúc hay căng thẳng, nhưng ta cũng gặp trở ngại khác đó là tâm lý do dự, phân vân, không biết chọn cái nào vì thấy cái nào cũng đáng để chọn. Nhiều khi tâm đã nghiêng về phía bên này rồi, nhưng lại bị tác động dữ dội bởi những người xung quanh nên nó lại nghiêng về phía bên kia. Tham khảo nhiều ý kiến quá thực ra cũng không tốt. Không biết chọn lọc sẽ khiến ta thêm hoang mang và khó khăn hơn để đưa ra quyết định. Do đó thời điểm ra quyết định ta phải nên ở một mình, định tĩnh, nương tựa hoàn toàn vào cái thấy của riêng mình, với tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm cho nó.
Nhiều khi suy nghĩ cũng đã nát nước rồi mà không thể đưa ra quyết định, vì thấy cái nào cũng có vấn đề, cũng có những khó khăn của nó hết. Tiến thoái lưỡng nan. Tiến cũng khó mà lùi cũng khó là tại vì ta sợ thất bại, sợ mất mát, sợ thua thiệt, sợ phải đón nhận cảm giác khó chịu đến đau đớn, sợ phải chịu trách nhiệm,... Chứ nếu không sợ gì cả, chuyện gì xảy ra cũng chấp nhận được hết, có sức chơi thì có sức chịu, thua keo này thì bày keo khác, cùng lắm là có thêm bài học kinh nghiệm hay trả giá xứng đáng cho sự non kém của mình, thì giải quyết dễ thôi. Cái nào cũng được hết, cứ nghiêm túc chọn là được. Vậy mà nhiều người đốt cháy năng lượng nhiều năm trời thậm chí cả tuổi thanh xuân để chỉ tìm ra một quyết định. Họ không biết sâu thẳm trong họ có nỗi sợ hãi rất lớn, nó có thể đến từ vết thương nào đó mà chính họ cũng không nhớ để gọi tên.
Như vậy, chỉ khi nào tâm thực sự lắng động, yên tĩnh, bình yên thì mới nên đưa ra quyết định, nhất là những quyết định lớn, có ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp hay hạnh phúc của nhiều người. Nếu đã tĩnh tâm đủ rồi mà vẫn không nhìn thấy hết nổi toàn cảnh của bức tranh thì cứ mạnh dạn chọn lựa và bước tới. Chỉ cần đi bằng bước chân tỉnh thức, không để cho mình chủ quan mà coi thường hoàn cảnh, không ngừng quan sát diễn biến tâm lý qua từng thời điểm để kịp thời điều chỉnh là được.
Tới một lúc nào đó, ta sẽ thấy con đường nào cũng không còn quan trọng nữa, mà thái độ đi trên con đường đó mới thực sự quan trọng. Nếu có bản lĩnh và thái độ đúng đắn thì mọi con đường đều trở thành thiên đường; còn nếu không đủ bản lĩnh và không có thái độ đúng đắn thì mọi con đường đều sẽ biến thành hoang đường.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi, # MinhNiem.