Sách chữa lành ( healing) - Thiền sư và em bé 5 tuổi
PHẦN 1:
PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU
Thực tập như thế nào khi ta làm người khác tổn thương?
Chúng ta phải làm gì khi làm người khác bị tổn thương và họ xem ta như kẻ thù của họ? Người này có thể là những người trong gia đình ta, trong tăng thân ta, hay trong một đất nước khác. Tôi biết là chúng ta đã có câu trả lời. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Đầu tiên là ta phải làm thế nào để nói cho được: " Tôi xin lỗi. Vì vô minh, vì thiếu chánh niệm, vì thiếu khéo léo mà tôi đã làm cho anh bị tổn thương. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hiểu và thông cảm hơn. Tôi sẽ không nói vơi anh những điều như thế nữa. Tôi không muốn làm anh tổn thương". Đôi khi chúng ta không có chủ tâm làm cho người kia bị tổn thương nhưng vì ta không đủ chánh niệm và khéo léo nên đã làm người khác đau khổ. Vì vậy thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng, nhờ đó chúng ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để không làm tổn thương người khác.
Điều thứ hai mà ta có thể làm là cố gắng biểu hiện những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, những đức tính tốt, những bông hoa tươi đẹp để chuyển hóa bản thân. Đây là cách duy nhất mà ta có thể dùng để chứng minh những gì ta vừa mới nói. Khi chúng ta trở nên tươi mát và dễ chịu, người kia sẽ sớm nhận ra được. Sau đó, khi có cơ hội đền gần người kia, ta đến như một bông hoa tươi mát và người kia sẽ nhận ra ngay. Có thể chúng ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần nhìn ta thay đổi thì người kia sẽ chập nhận và tha thứ cho ta. Ta làm theo những gì ta nói chứ không phải là những lời nói suông.
Khi ta thấy được " kẻ thù" ta đang khổ đau là ta bắt đầu có tuệ giác. Thấy được trong tự thân có ước muốn giúp người kia hết khổ, đó là dấu hiệu của tình thương yêu. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận. Đôi khi ta nghĩ rằng ta mạnh hơn khả năng ta có. Để thử sức mạnh của mình, ta thử đến với người kia và nói chuyện với người ấy. Chúng ta sẽ khám phá ra ngay lập tức là tình thương và lòng từ bi của ta có thực sự vững mạnh hay không. Chúng ta cần một người khác có mặt cho ta thử nghiệm sức mạnh của ta. Nếu thiền tập chỉ dựa trên những nguyên tắc trừu tượng về hiểu biết và thương yêu thì có thể đó chỉ là sự tưởng tượng mà không phải là sự hiểu biết và tình thương yêu đích thực.
Hòa giải là bỏ lại sau lưng những cái nhìn lưỡng nguyên và khuynh hướng muốn trừng phạt. Hòa giải không đứng về một bên. Trong một cuộc xung đột xảy ra, hầu hết chúng ta đều muốn đứng về một bên nào đó. Chúng ta phân biệt giữa cái đúng và cái sai, một phần dựa trên những bằng chứng, hoặc những tin đồn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần sự căm phẫn để hành động. Nhưng cho dù sự căm phẫn ấy có đúng lý và chính đáng đi chăng nữa cũng không đủ. Thế giới này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Điều chúng ta cần là những người có khả năng thương yêu và không đứng về một bên để họ có thể ôm được cả hai bên, ôm được thực tại một cách trọn vẹn.
Chúng ta phải tiếp tục thực tập chánh niệm và hòa giải cho đến khi nào ta có khả năng thấy được hình hài của những trẻ em đói khổ là hình hài của chính ta, nỗi khổ đau của mọi người mọi loài là nỗi khổ đau của chính ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra được tình thương chân thật vô phân biệt. Chúng ta có thể nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi và chúng ta có thể làm công việc giúp người thực sự, đó là làm vơi đi nỗi khổ đau trong lòng người.
Điều gì ngăn cản ta hạnh phúc?
Chúng ta thực tập là bởi vì chúng ta muốn học lại một lần nữa cách đi, cách thở và cách ngồi. Đi như thế nào mà hạnh phúc an lạc có mặt trong suốt buổi đi, thở như thế nào để bình an, từ bi và niềm vui sống có mặt trong ta. Khi ăn sáng, chúng ta ăn như thế nào để tự do và niềm vui có mặt. Đó là điều mà ta có thể học hỏi và rèn luyện nhờ vào sự nâng đỡ yểm trợ của tăng thân, của các sư anh sư chị trong sự thực tập. Có những người trong chúng ta có khả năng thở trong chánh niệm, biết thưởng thức và nếm được hương vị của giây phút hiện tại. Một hơi thở vào có thể mang lại cho ta niềm vui. " Thở vào, tôi còn sống". Đây là giây phút ta ăn mừng sự sống đang có mặt. Chúng ta biết là ta đang còn sống, và chúng ta có thể sống đời sống của ta một cách đích thực, ta có thể ăn mừng sự sống của ta trong mỗi phút mỗi giây. Thở vào, tôi biết tôi còn sống. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Bấy kỳ ai cũng có thể làm được điều này. Bất kỳ ai cũng có thể thở vào và ăn mừng sự sống với hơi thở vào đó. Khi ta đi, mỗi bước chân của ta có thể giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta biết mùa xuân đang có mặt đó, mặt trời đang có mặt đó, sự sống đang có mặt đó, những đóa hoa đang có mặt đó và đang mỉm cười với chúng ta. Theo nguyên tắc thì ta có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy để được nuôi dưỡng, để được trị liệu. Tuy nhiên có vài thứ xen vào trong tâm ý ta, ngăn cản ta không cho ta sống hạnh phúc, nhẹ nhành và khinh an, làm cho ta đánh mất nụ cười.
Tuy vậy, chúng ta có thể lấy lại nụ cười ấy. Mỗi bước chân ta đi, mỗi cái nhìn tiếp xúc với sự sống với những mầu nhiệm của nó có thể trở thành một bữa tiệc ăn mừng sự sống. Đi như thế là ta đi với sự tự do, vượt thoát khỏi những nổi khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Tự do đó là nền tảng của hạnh phúc. Khi đi, ta đi như một con người tự do. Khi có tự do, ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, có công năng trị liệu và nuôi dưỡng ta.
Điều gì đã xen vào tâm tư ta khi ta đi thiền hành, khi ta ăn mừng sự sống trong mỗi bước chân? Chướng ngại của ta là gì? Chúng ta phải nhận diện và gọi tên nó. Điều gì ngăn cản ta đi và thở như thế, điều gì ngăn cản ta ăn sáng trong niềm hân hoan và hạnh phúc? Chúng ta biết rõ rằng giây phút hiện tại là giây phút duy nhất mà ta có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Quá khứ đã qua rồi, quá khứ không còn chứa đựng sự sống nữa. Và tương lai thì chưa tới. Quá khứ là một cái gì không thật, tương lai cũng không thật. Chỉ có giây phút hiện tại là có thật. Vì vậy sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với giây phút hiện tại, sẵn sàng có mặt cho phút giây hiện tại và thiết lập thân tâm trong phút giây hiện tại để chúng ta có thể tiếp xúc với sự sống và thực sự sống đời sống của chúng ta một cách trọn vẹn. Điều này được thực hiện trong mỗi bước chân đi, trong mỗi hơi thở, trong mỗi tách trà, trong mỗi bữa ăn sáng, hay trong mỗi một tiếng chuông. Tất cả những điều đó đưa ta về với giây phút hiện tại để ta có thể thực sự sống đời sống của ta. Chúng ta luyện tập để đi như thế nào mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở vào ra của ta mang lại cho ta sự sống và niềm hạnh phúc.
Trích từ sách Thiền sư và em bé 5 tuổi của Thầy Thích Nhất Hạnh
# Sách thiền sư và em bé 5 tuổi, #sách chữa lành, # Chữa lành em bé bên trong, # healing, # Chữa lành tổn thương, # Chữa lành trầm cảm, # Sách Thích Nhất Hạnh, # Tổn thương cần chữa lành, # Chữa lành tâm hồn