#sách để có một tương lai, #thiền sư Thích Nhất Hạnh, #chữa lành, #healing, #tỉnh thức, #khổ đau
Xã hội có thể trì giới cách nào?
Tất cả những người theo đạo Bụt đều chấp nhận Năm Giới (panca-sila) như những nguyên tắc căn bản về đạo đức. Nắm vững được Năm Giới chúng ta sẽ biết cách giải quyết những vấn đề thực tế hằng ngày.
Giới thứ nhất là ‘Con nguyện không giết hại sinh mạng.’ Giết thú vật và ăn thịt chẳng hạn, có thể thích hợp cho một xã hội tiểu nông hay cho nếp sống thu hẹp sau lũy tre làng, nhưng trong những xã hội công nghiệp, thịt được xem như một trong mọi sản phẩm, và sự sản xuất thịt hàng loạt là không tôn trọng sự sống của loài vật một chút nào. Nếu người dân trong những nước có ăn thịt có thể cố gắng làm giảm bớt việc chăn nuôi để tiêu thụ, thì đó không phải chỉ là từ bi với loài vật mà còn với cả những người đang lất lây trong cảnh bần cùng, cần đến lúa gạo để sống. Thực phẩm trên trái đất có đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Đói là do sự phân phối không đồng đều, và thường những người thiếu thốn lại là những người sản xuất.
Ta cũng phải nhìn vào các vụ buôn bán vũ khí và thách thức những cơ cấu đang gây ra giết chóc tương tàn. Sự giết hại tràn ngập cuộc sống đương đại – các cuộc chiến tranh, các xung đột về chủng tộc, việc chăn nuôi để cung cấp cho thị trường của con người, và việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại. Làm sao ta có thể cưỡng lại dòng chảy ấy và giúp tạo nên một xã hội không bạo tàn? Giới thứ Nhất và những công năng hướng thượng của nó có thể được áp dụng như thế nào để kiến tạo một thế giới công bằng và nhân ái? Tôi sẽ không tìm cách trả lời những câu hỏi này. Tôi chỉ muốn nêu chúng ra để chúng ta cùng suy gẫm.
Giới thứ Hai là ‘Con nguyện không trộm cắp.’ Trong ‘Kinh Chuyển luân Thánh Vương Sư Tử Hống’ (Cakkavatti Sihanada Sutta [8]), Bụt nói rằng một khi nhà vua để cho sự nghèo đói xảy ra trong nước, người dân sẽ trộm cắp dài dài để sống. Chánh Mạng gắn liền với công bằng kinh tế. Chúng ta phải bỏ công dốc sức để bảo đảm có được công ăn việc làm hợp lý cho những người có khả năng lao động.
Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về sự trộm cắp ẩn tiềm trong các hệ thống kinh tế của chúng ta. Sống nếp sống Chánh Mạng và giản dị một cách tự nguyện vì thương xót vạn loài, và từ bỏ việc đuổi theo danh, lợi, quyền hành là tự đặt mình vào thế đối kháng với sự bạo tàn từ trong cơ cấu của tình trạng áp bức hiện nay. Nhưng sống cuộc sống giản dị tự nguyện liệu đã đủ chưa nếu ta không đồng thời ra sức lật đổ những cơ cấu đang buộc bao nhiêu người phải sống trong cảnh nghèo nàn bất đắc dĩ?
Sự thiết lập một trật tự công bằng trong nền kinh tế quốc tế là một phần thiết yếu và có tính hỗ tương trong việc xây dựng một thế giới hòa bình. Sự bạo tàn trong mọi hình thức – đế quốc, dân sự, và giữa người với người – đều lập căn cứ trên khát vọng chung về tiềm năng kinh tế và quyền lực chính trị. Mọi người nên được khuyến khích nghiên cứu và luận bàn về một ‘Trật tự Mới trên Thế Giới’ từ viễn cảnh của đạo Bụt, lấy đó làm tiêu chuẩn để xét các mô hình phát triển là thích hợp hay không thích hợp, sự tiêu dùng là hợp lý hay sai lầm, việc khuyến mại là chân chánh hay bất chánh, sử dụng hợp lý hay làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, và những biện pháp làm vơi đi những bất hạnh của cuộc đời. Quan điểm của người theo đạo Bụt như thế nào về một đạo đức mới trong phạm vi quốc gia và quốc tế? Nhiều nhóm Thiên Chúa Giáo đã nghiên cứu trường hợp của các công ty liên quốc gia và hệ thống ngân hàng quốc tế. Chúng ta nên học hỏi và sử dụng những khám phá từ phía họ.
Giới thứ ba là ‘Con nguyện không tà dâm.’ Cũng như những giới khác, chúng ta phải thực tập giới này trong chính đời tư mình, đồng thời không lợi dụng hoặc hại người khác. Thêm vào đó, ta còn phải xét lại các cơ cấu xã hội thiên vị đàn ông cũng như sự bóc lột phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Những cơ cấu của tham lam, thù hận, và si mê với tính chất phụ quyền có liên hệ đến sự bạo tàn trên thế giới. Chủ nghĩa quân phiệt hiện đại cũng liên quan mật thiết với chế độ phụ quyền. Sự tu tập trong đạo Bụt hướng tới sự phát triển những con người toàn diện và quân bình, vượt thoát được những lề lối suy nghĩ, nói năng và hành xử đã huân tập từ xã hội về thế nào là ‘Nam’, ‘Nữ’, tiếp xúc được với cả hai khía cạnh ấy nơi chính con người mình.
Giới thứ tư là ‘Con nguyện không vọng ngữ.’ Chúng ta cần nhìn kỹ lại các phương tiện truyền thông đại chúng, nền giáo dục và những kiểu thông tin quyết định cách chúng ta nhận thức thế giới. Phật tử chúng ta đi sau xa những anh chị em Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo về phương diện này. Các cơ quan giáo dục Hồi Giáo Pesantran ở Nam Dương áp dụng những nguyên tắc Hồi giáo cổ truyền trong bối cảnh hiện đại để dạy những người trẻ sự thật về thế giới và dự phóng một viễn tượng tương lai [9]. Người phái Quaker có phép thực tập ‘nói lên sự thật với bực quyền hành.’ Ta chỉ có thể thoát khỏi căn bệnh nói dối có hệ thống nhan nhãn trong hiện trạng xã hội nếu chúng ta cùng nhau cam kết nói lên sự thật.
Phẩm cách con người phải được chú trọng hơn là việc khuyến khích sự tiêu thụ cho đến độ con người ham muốn nhiều hơn là họ thực sự cần. Lấy sự trung thực làm nguyên tắc chỉ đạo, bậc đại học phải có các nghiên cứu về việc đặt giới hạn cho các tuyên truyền chính trị và quảng cáo thương mại. Dù vẫn không quên những giá trị quí báu của tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng nếu chúng ta không mở được những đường lối truyền thông mới thay thế cung cách loan truyền những điều dối trá và phóng đại hiện thời, thì chúng ta sẽ không thể vượt qua được tình trạng nhồi sọ đang diễn ra khắp nơi nhân danh an ninh quốc gia và ấm no vật chất.
Giới thứ Năm là ‘Con nguyện không tiêu thụ sản phẩm có độc tố làm che mờ tâm trí và
cũng nguyện giúp cho người khác không làm tối mờ tâm trí của mình.’
Trong đạo Bụt, tâm sáng tỏ là một viên ngọc quí. Chúng ta phải nhìn vào nội tâm và thực sự đối phó với những nguyên sâu xa của nạn nghiện rượu và lạm dụng ma túy.
Đồng thời, chúng ta phải kiểm tra các kỹ nghệ sản xuất rượu và ma túy để nhận diện được căn cứ quyền lực của họ. Chúng ta phải lật đổ các thế lực khuyến khích sự say sưa, nghiện rượu và nghiện ma túy. Đây là một vấn đề liên quan đến hòa bình và công bình quốc tế. Nông dân ở những nước thế giới thứ ba trồng bạch phiến, ka-cao, cà-phê, và thuốc lá bởi vì hệ thống kinh tế đã khiến cho họ không thể sống nổi nếu họ trồng lúa hay trồng rau. Những côn đồ có súng đóng vai trò trung gian cho họ, và đó thường là những du kích dân tộc, những kẻ cướp đội lốt chính trị, quân đội riêng của các chính trị gia khuynh hữu, hay một thứ cách mạng gia nào đó.
Cơ quan tình báo trung ương của Hoa Kỳ (CIA) buôn ma túy ở Việt nam, du kích quân Miến Điện buôn ma túy, và những nhà cách mạng Nam Mỹ buôn ma túy. Những cuộc chiến tranh toàn diện, như Chiến Tranh Á Phiện, đã được gây ra bởi các chính phủ muốn duy trì việc buôn bán ma túy [10]. Không kém phần nghiêm trọng là sự cưỡng bức kinh tế trong việc ép nông dân phải trồng các loại cây xuất cảng như cà phê hay trà và trong việc bán tống bán đổ những thuốc lá thặng dư cho người tiêu thụ ở các nước thế giới thứ ba bằng những chiến dịch quảng cáo ào ạt.
Ma túy và tội ác lan tràn trong các nền văn hóa đã bị làm cho què quặt bởi sự phân bố bất bình đẳng tài sản trong xã hội, nạn thất nghiệp, và sự chán ghét nghề nghiệp. Việc Reagan và Bush dùng quân đội Hoa kỳ để chống nạn buôn bán ma túy rốt cuộc cũng vô nghĩa như chiến dịch chống nạn nghiện rượu trong giới công nhân của Gorbachev; cả hai cách giải quyết đều nhắm vào ngọn (triệu chứng) mà không nhắm vào gốc (nguyên nhân) của bịnh. Theo Đạo Bụt thì giải pháp duy nhất có hiệu quả cho những vấn đề này có thể xảy ra trong sự thay đổi toàn diện những giá trị của con người.
Những giáo lý đạo đức căn bản này ứng hợp với chúng ta như những cá nhân và như những thành viên của xã hội. Những ý kiến của tôi về Năm Giới và làm sao để áp dụng Năm Giới vào tình trạng thế giới hiện nay chỉ được khơi ra như một bước mở đầu. Tôi mong rằng những vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo. Chúng ta cần một nền tảng đạo đức cho cách ăn ở và cách giải quyết vấn đề của chúng ta.
[8]. Nguyên bản viết là Cakkavatti Sahananda Sutta tức là viết sai, chỉ có Kinh Cakkavatti Sihanada Sutta = Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống mà thôi. (Sihanada = Sư Tử Hống, Lion’s Roar. Còn Sahananda = khánh lữ, delightful companion.) Chúng tôi chỉnh lại trong bản dịch. [cước chú của người nhuận bản dịch.]
[9]. Điều này chưa hẳn đã tốt, ta phải hết sức chánh niệm và cẩn trọng. Tôn giáo có thể giáo dục nhồi sọ, nhồi nhét những cái thấy chủ quan của những người trong tôn giáo về cái gọi là ‘sự thật về thế giới.’ Gần đây thế giới đã thấy sự thật của các tệ nạn này trong các nước mà giáo quyền đóng vai trò thế quyền (và ngược lại, khi thế quyền đóng vai trò lãnh đạo tôn giáo thì tình trạng cũng nguy hại không kém.) Mặc dù Tôn giáo, chính trị và giáo dục có thể hỗ tương cho nhau nhưng mỗi lĩnh vực nên đứng ở đúng vị trí của nó, không nên trộn lẫn vai trò. Các nước Tây phương có truyền thống Ki Tô giáo (mà ngày xưa nền giáo dục chủ yếu do nhà thờ chủ trì) đã học kinh nghiệm và tách rời hệ thống tôn giáo khỏi nhà trường, các trường tư thục của đạo Ki Tô (ngoại trừ trường Dòng) cũng phải tôn trọng nguyên tắc này. (Ý kiến của người nhuận bản dịch.)
[10]. Các cuộc chiến tranh Ma Túy (Opium Wars) xảy ra từ đầu đến giữa thế kỷ 19 (1800-1858) do các nước Anh, Pháp (và sau này là Mỹ và Nga) muốn ép Trung Quốc (nhà Thanh) phải cho họ tiếp tục bán ma túy vào Trung Quốc (nhà Thanh muốn ngăn cấm việc các nước Tây Phương buôn ma túy vào, đầu độc và làm cho nước Trung Quốc yếu đi vì tình trạng nghiệp ngập.) Cuộc chiến Ma Túy này đã mở đường cho Thiên Chúa Giáo và các thế lực Tây Phương đi vào Trung Quốc. [Cước chú của người nhuận bản dịch.]
Trích từ sách Để có một tương lai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh