Ai cũng là đóa hoa
Tô Đông Pha là nhà thơ, nhà văn lừng danh thời nhà Tống, được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống. Ông cũng rất am tường triết lý nhà phật.
Tô Đông Pha thường hay đến đàm đạo với thiền sư Phật Ấn vào những lúc nhàn rỗi. Một hôm, trong lúc uống trà, Tô Đông Pha chợt hỏi: " Ngài thấy tôi thế nào?". Phật Ấn tươi cười đáp: " Rất trang nghiêm, như một ông phật!". Tô Đông Pha nghe xong sướng run cả người. Phật Ấn thấy vậy hỏi lại: " Vậy ông thấy ta ra sao?". Thấy Phật Ấn mập tròn lại mắc áo nâu đen nên Tô Đông Pha đáp: " Giống đống phân bò". Phật Ấn không nói gì. Tô Đông Pha nín cười muốn vỡ bụng, coi như đại thắng.
Về tới nhà Tô Đông Pha liền kể lại sự tình cho Tô Tiểu Muội nghe, vẫn còn vẻ đắc chí: " Trước giờ lão Ấn cứ cho ta đo ván, lần này tổ trác hay sao lão ta cứng họng trước học sĩ này. Thiệt là trời cao có mắt!". Tô Tiểu Muội vốn thiên tư hơn người, nghe xong liền nói: " Xì, anh thua đậm nữa rồi!". " Thua sao được", Tô Đông Pha trợn mắt. Tô Tiểu Muội cắt nghĩa: " Phật là lão Ấn thấy, phân bò là anh thấy. Vậy chứng tỏ tâm lão Ấn là tâm Phật, còn tâm anh là tâm gì?".
Tâm ta như thế nào thì ta sẽ nhìn thấy đối tượng hiện lên như thế ấy.
Đức phật đã từng giác ngộ và giảng dạy như vậy. Khoa học cũng tin và khuyến cáo như vậy. Nhưng ta vì quá bận rộn với mưu sinh, chạy ngược chạy xuôi để có sự nghiệp vẻ vang với đời, phải lo phòng thủ trước sau để bảo vệ danh dự và quyền lợi, nên chưa có thời gian để nghiên cứu mấy cái triết lý xa xôi này. Thế nên ta vẫn cứ tin chắc mẻm vào cái thấy của mình. Vẫn cho là mình thông minh, tài trí hơn người. Vẫn cho là mình đã từng trải nên không thiếu kinh nghiệm để nhìn người.
Phải đến khi trải qua một cú sốc nặng, một biến cố, một tổn thất lớn, một tai nạn rủi ro,... thì ta mới chấp nhận tạm dừng cuộc nắm bắt bên ngoài, tìm về nội tâm. Bắt đầu nhìn lại và suy gẫm đoạn đường đã qua, những gì mình đã làm. May mắn thì nhìn lại đủ sâu để ý thức rõ rệt cái gì là phương tiện cái gì là mục đích, điều gì quan trọng cần giữ gìn và điều gì không đáng lao theo và cần phải buông bỏ.
Nằm trên giường bệnh nhiều ngày hay ngồi trong góc tối yên lặng hàng đêm, ta mới thấy thèm một người bạn đúng nghĩa để ta có thể bung ra hết những chất chứa trong lòng, than khóc hay gào thét, lên án hay buộc tội, kiêu căng ngạo mạn hay mặc cảm tội lỗi,... để rồi người bạn đó sẽ cho ta lời khuyên chân thành, thẳng thắn.
Nhưng tiếc thay, trong cuộc chiến khốc liệt giữa thương trường, ta đã không giữ nổi một người bạn. Bạn xã giao hay làm ăn thì nhiều, bạn để nhậu nhẹt tán dóc thì không thiếu. Nhưng một người bạn đồng hành, phúc họa cùng chia, không cần phải đối phó hay trình diễn, chỉ nhìn nhau là đủ hiểu, có thể làm thầy để thức tỉnh nhau và làm anh em để tâm tình bất cứ lúc nào, ....thì không có ai hết. Không ai. Thực ra cũng từng có vài người bạn thân, nhưng tất cả đều bị ta liệt vào danh sách phiền phức, chẳng giúp ích gì, đáng quan ngại, không xài được, nguy hiểm, nên tránh xa,...
Khi có cơ hội nhìn lại những suy nghĩ và phản ứng của mình trong tỉnh thức, ta mới nhận ra mình đang có những vết thương tâm lý khá nặng, có những thành kiến xấu in hằn trong tâm thức tưởng đã quên đi mà vô tình vẫn xài cho tới giờ. Nên cái nhìn của ta hầu hết đều đến từ phiền não, từ tri giác sai lầm. Khoảnh khắc để thấy những người bạn " là phật" thì quá ít ỏi. Mà nhiều khi ta cũng chẳng dám tin vào cái thấy đó, bởi nó có thể là sự nhẹ dạ yếu lòng hay cảm xúc nhất thời. Phải dữ dằn lên, phải hiên ngang lên, phải " nghi lầm còn hơn tin lỡ " thì mới tồn tại và chiến thắng.
Tất cả đều là sản phẩm của nỗi sợ hãi rất lớn. Sợ bị lợi dụng, sợ bị lấn lướt, sợ bị thua thiệt, sợ bị hãm hại, sợ bị hạ đo ván,... Vì sợ mới lo, mới tưởng tượng, mới phóng đại. Mà nếu trời đất không thương, không trao tặng nghịch cảnh nào đó đủ lớn khiến ta không còn gì để mất, để bản ngã không còn gì để hăng hái chứng tỏ, thì chẳng biết đến bao giờ ta mới vén ra được bức màn vô minh che ám tâm trí mình!
Ai cũng có tài năng, ai cũng có những giá trị tốt đẹp. Chỉ vì có người chưa biết khơi dậy năng lực tiềm ẩn hay tôn vinh những ưu điểm của mình, có người còn mắc kẹt trong những giới hạn hay khó khăn của bản thân, có người mất khả năng kiểm soát cảm xúc, có người đồng nhất mình với vài thói quen mà không được ai đánh thức,...Nhìn trên mặt hiện tượng thì đúng là còn yếu kém, không dễ thương, khó chấp nhận, nhưng nếu nhìn vào bản chất, nhìn vào cả một quá trình lớn lên, nhìn vào những lúc họ được sống trong môi trường tốt lành, tu luyện, thì ta sẽ thấy họ đích thực là những người bạn, những người tử tế, có thể đồng hành với ta trong cuộc đời này.
Họ tuy có khó khăn, có yếu kém, nhưng chưa chắc là họ sẽ gây tổn hại hay nguy hiểm cho ta. Nhiều khi ta không thấy được giá trị của họ nhưng người khác lại thấy. Bạn bè, gia đình, những người thân yêu của họ có thể rất nể phục và thần tượng họ. Những gì họ làm được chưa chắc ta làm được. Những gì họ nhẫn chịu được chưa chắc ta nhẫn chịu được. Những gì họ đem đến cho người thương yêu của họ chưa chắc ta có thể làm cho người thân yêu của ta. Chưa biết ai hơn ai đâu!
Không ai hơn ai, cũng không ai thua ai cả. Ai cũng là đóa hoa. Hoa nào cũng đẹp, cũng dâng hương sắc cho đời, và trong khu vườn nhân loại không nên chỉ có một vài loại hoa. Không nên phải có tài năng như nhau. Không nên phải có khả năng lãnh đạo như nhau. Vì nếu như vậy hết thì ai sẽ trồng trọt, ai sẽ quét đường, ai sẽ lo an ninh trật tự, ai sẽ chăm sóc kẻ neo đơn tàn tật, ai sẽ nấu ăn, ai sẽ giữ lửa cho gia đình, ai sẽ làm gương đạo đức, ai sẽ là người của hòa bình? Ngay cả một người không có tài cán gì nổi bật nhưng lại có khả năng ngồi rất yên, tỏa ra năng lượng an lành, làm điểm tựa tinh thần cho nhiều người thì đó đã là một đóa hoa nhiệm mầu rồi. Và ai cũng cần đóa hoa đó hết.
" Cái này có là vì cái kia có, cái kia có là vì cái này có" ( Đức Phật)
Một diễn viên chính được đón nhận những bó hoa tươi thắm, những tràng vỗ tay và lời tung hô nhiệt liệt của khán giả mà không nghĩ gì đến sự cống hiến thầm lặng của những người anh em đứng sau sân khấu, thì đó là một diễn viên " nghiệp dư". Dù có qua trường lớp hay có nổi tiếng cỡ nào thì vẫn là hành xử kiểu " nghiệp dư", chưa hiểu gì cái gọi là một đoàn thể, tương thân tương trợ, và quy luật đào thải cả.
Một vị lãnh đạo tập đoàn lớn nắm đầy quyền lực trong tay, là tượng đài của rất nhiều người, mà lại không dám ngồi ăn chung với những người " vào sinh ra tử" với mình, chỉ chờ đợi họ cảm ơn và tặng quà chứ chưa bao giờ có hành động ngược lại, chỉ biết tới công việc và công việc chớ chẳng hề quan tâm đến khó khăn của ai, chỉ biết tới doanh thu lợi nhuận mà bất chấp tổn hại đến môi sinh hay xã hội, thì đó là người chưa đủ tầm, chưa có " bằng" đức nghiệp, chưa hiểu gì về luật tương tác.
Huyền thoại võ thuật Trung Hoa, Lý Tiểu Long, đã nói: " Nhìn vào thái độ của mình đối với những người vô danh tiểu tốt thì biết rõ con người thật của mình".
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi.