Thiền sư Minh Niệm khẳng định chữa lành là một hành trình dài. Điều đó không đơn giản như cách các bạn trẻ thường nghĩ là cứ tìm đến Đà Lạt, thiền viện hay bất kỳ nơi thanh vắng nào ở vài ngày, vài tuần là sẽ được chữa lành.
Chấp nhận là bước đầu tiên để chữa lành
Mở đầu số thứ 3 Podcast "Đối thoại Trương Nguyện Thành" của Báo Thanh Niên có chủ đề “Bàn luận cùng thiền sư Minh Niệm: chữa lành thế nào để con quái thú trầm cảm không trở lại?”, GS Trương Nguyện Thành nhận ra rằng thời kỳ giãn cách xã hội do Covid-19 là cột mốc để con người nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Đồng tình với quan điểm đó, thiền sư Minh Niệm lý giải sự đứt gãy giữa cá nhân với cuộc sống khiến nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng hiện sinh. Họ vô cảm trước công việc từng yêu thích hay những người mà bản thân họ yêu thương. Những câu hỏi như: “Tôi là ai?”, “Giá trị của tôi ở cuộc đời này là gì?” cứ mãi luẩn quẩn trong suy nghĩ.
"Trong cuộc đời của bất kỳ ai đều phải trải qua ít nhất một lần khủng hoảng. Điều đó có thể nhấn chìm bạn, đưa đến những tổn thương về tâm lý nhưng nó cũng có thể đưa bạn đến trạng thái mới, tìm được phiên bản khác của bản thân”, thiền sư Minh Niệm chia sẻ
Không phủ nhận áp lực khiến cho con người thay đổi nhưng GS Trương Nguyện Thành lại tỏ ra băn khoăn: “Làm sao biết được bản thân có vấn đề về tâm lý để mà chữa lành?”. Bởi lẽ, ở thực tế cuộc sống, không ít người ngộ nhận bản thân có “bệnh” trong khi những người thực sự bị tổn thương, thậm chí là trầm cảm lại lựa chọn trốn tránh.
Theo quan điểm của thiền sư Minh Niệm, dù thực sự có “bệnh” hay không thì ưu điểm của những người tìm kiếm sự chữa lành là việc nhận ra tình trạng năng lượng lên xuống bất thường. Không ai đang vui, đang hạnh phúc mà từ bỏ công việc, người thân để đi nơi khác. Họ nhận ra vấn đề của bản thân nhưng không muốn làm ảnh hưởng tới bất kỳ ai nên lựa chọn tự mình giải quyết. Đó là tinh thần tự chịu trách nhiệm mà chúng ta cần ghi nhận.
Chấp nhận mình có vấn đề là bước đầu tiên trong quá trình chữa trị tâm lý. Điều quan trọng hơn hết vẫn là cách để chữa lành. Thiền sư Minh Niệm ví von: “Khi con hổ bị thương, việc đầu tiên là rút về hang để tránh nạn. Thế nhưng lúc đó, con hổ phải biết tự liếm vết thương, nỗ lực không ngừng để chăm sóc vết thương. Nếu chỉ nằm ì thì vết thương sẽ lan rộng và tiêu diệt con hổ đó”.
Theo thiền sư Minh Niệm, việc chữa lành theo phương pháp tự nhiên không đơn giản như cách các bạn trẻ vẫn nghĩ là tìm đến Đà Lạt, rừng thiền hay bất kỳ một nơi thanh vắng nào để ở vài ngày, vài tuần. Đó là một hành trình dài cần rất nhiều sự nỗ lực của bản thân. Nếu chữa lành sai cách thì vô tình khiến “con quái thú” trầm cảm quay lại tấn công mình.
Đích đến của chữa lành không phải là sự trốn tránh xã hội mà phải giúp con người hàn gắn những sợi dây kết nối với cuộc sống đã đứt gãy trước kia.
Tình yêu đôi lứa tan vỡ là do duyên?
Bàn sâu hơn về sức khỏe tinh thần của giới trẻ, GS Trương Nguyện Thành cho rằng sự tan vỡ của tình yêu đôi lứa là một trong những nguyên nhân thường gặp có sức tác động không hề nhỏ đến tâm lý. Lý giải cho tình trạng này, ông cho rằng điều đó xuất phát từ tốc độ phát triển mối quan hệ của giới trẻ quá nhanh, không thua kém tốc độ phát triển của máy tính hay công nghệ.
Nhìn nhận vấn đề ở một góc nhìn khác, thiền sư Minh Niệm chỉ ra rằng hệ thống gia đình không vững chắc cũng dẫn đến sự chọn nhanh, yêu vội của giới trẻ. Người lớn bận rộn với cuộc sống mưu sinh mà thiếu đi sự quan tâm, thể hiện tình yêu thương đến con trẻ đã dẫn đến một thế hệ khát khao tình thương và sự công nhận.
Để thỏa mãn hai nhu cầu đó, người trẻ vội vàng chinh phục đỉnh cao tiền tài, danh vọng hay tình cảm, từ đó dễ dẫn đến sai lầm.
“Đôi khi việc lao theo một cuộc tình là vì bên trong thiếu tình thương từ nhỏ. Họ chỉ cần một người cung cấp nguồn yêu thương. Thế nhưng, khi đã là vết thương thì khó mà chữa lành, dẫn đến việc họ cảm thấy không thỏa mãn, chán nản và rồi đi tìm một nguồn cung cấp khác”, thiền sư Minh niệm chia sẻ.
Ông nhận ra: “Ở người trẻ, khi đến với nhau họ không biết cách tự chăm sóc bản thân mà chỉ trông cậy, dựa dẫm vào đối phương”. Trong khi đó, tình yêu như một cái cây cần sự vun bồi và chăm sóc từ hai phía.
Không chỉ dừng lại ở đó, GS Trương Nguyện Thành đã gợi mở về câu hỏi mà không ít người băn khoăn khi bước vào mối quan hệ đôi lứa: “Liệu tình yêu có cần sự quan hệ thể xác?”.
Thiền sư Minh Niệm cho rằng: “Trong quan hệ đôi lứa, liên hệ xác thân là chuyện rất tự nhiên cần phải có. Tuy nhiên nó phải được bao bọc bởi sự trân quý, hy sinh cho nhau, của cái tình, cái nghĩa. Chỉ khi đó, sự trao thân mới trở thành một điều thiêng liêng trong quan hệ lứa đôi. Bằng không, nó chỉ trở thành một thứ tầm thường và đến một lúc nào đó sẽ bị khinh thường”.
Theo ông, nếu ta thích một người nào đó trên mặt cảm xúc của thể xác thì một ngày nào đó, ta sẽ bị lôi cuốn bởi một đối tượng khác hấp dẫn hơn, dẫn đến việc phản bội người kia. Điều quan trọng hơn vẻ đẹp của thể chất là “hệ sinh thái” gồm tính cách, đạo đức, các mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Nếu “hệ sinh thái” của bất kỳ phía nào bất ổn thì mối quan hệ đó khó mà lâu bền. Thậm chí, những điều tiêu cực đó cũng ảnh hưởng đến “hệ sinh thái” của đối phương.
Thiền sư Minh Niệm cho rằng: “Mình là người chăm sóc cái cây tình yêu. Nếu nó chết đi hay héo úa là lỗi của mình, không phải lỗi tại ông trời hay duyên số”.
Nguồn từ thanhnien.vn