Bài 19 Quán không trong năm lễ
Hôm nay là ngày 27 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại xóm Thượng và học tiếp về bát chánh đạo.
Chủ nhật vừa rồi chúng ta học về năm lễ. Ở Việt nam, cúng lễ tổ tiên không phải chỉ mỗi năm một lần. Chúng ta lạy ông bà, cha mẹ trong những đám cưới, đám hỏi, những ngày giỗ, ngày tết. Lễ là để tiếp xúc với gốc rễ của mình. Trong chùa mỗi ngày chúng ta đều lễ. Chúng ta lễ Bụt, lễ các vị tổ sư, lạy thầy, lạy chúng, v.v..
Quán không trong năm lễ
Trong khi thực tập năm lễ, chúng ta cũng phải biết thực tập về Không quán và Không tam muội. Trước khi lễ, ta chắp tay, thực tập hơi thở để quán chiếu về chủ thể của sự lễ lạy là người lễ và đối tượng của lễ tức là người được lạy. Trong các thiền viện Việt nam, mỗi khi chắp tay chuẩn bị lễ ta phải quán tưởng như sau:
Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
dịch:
Trong tự tính chân như Không chủ thể đối tượng Đệ tử kính lạy Bụt Trong giao cảm nhiệm mầu.
Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch tức là bản chất của người lễ và bản chất của vị được lễ, cả hai đều không.
Trong khi lễ; chúng ta thực tập quán không. Không ở đây có nghĩa là giữa hai bên, người lạy và người được lạy, có sự tương duyên tương sinh. Chủ thể và đối tượng không phải là những gì tồn tại và độc lập ngoài nhau. Khi cúi xuống lễ tổ tiên, ta phải thấy rằng tổ tiên có liên hệ mật thiết với ta. Ta không thấy cái ngã riêng biệt của ta đối lại với cái ngã riêng biệt của tổ tiên. Ta thấy được tính chất vô thường, vô ngã của ta và của tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Thấy được tính tương quan, tương duyên và vô ngã giữa ta và ông bà, cha mẹ, thì lễ mới thành công. Quý vị đã từng thực tập và đã thực tập thành công, quý vị đã thấy mình hòa nhập được vào dòng sống tổ tiên, ông bà, cha mẹ và con cháu của mình. Cái ngã của ta tan biến. Khi cái ngã của ta và của tổ tiên ta tan biến thì có sự cảm thông mầu nhiệm và năng lượng của tổ tiên mới truyền qua cho mình được. Đó là ý nghĩa của câu thứ hai: Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Con đường cảm ứng, giao tiếp (communication, communion) mầu nhiệm không thể tưởng tượng được, không thể đàm luận và diễn tả được, đó gọi là nan tư nghì. Khi còn bị giam khóa trong bản ngã của mình, ta chỉ thấy mình là mình, cha mẹ là cha mẹ, mỗi người là một hải đảo hay một tháp ngà riêng. Nhưng khi lạy xuống để quán tưởng ta sẽ thấy được rằng cái ta là do những yếu tố không ta tạo nên. Sự có mặt của ta ở đây tức cũng là sự có mặt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và sông núi. Tự nhiên cái ngã tan đi. Trong trạng thái tan biến đó của cái ngã thì năng lượng của đất nước, của tổ tiên và của ông bà mới truyền sang cho ta được. Đó gọi là cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Có những người thực tập một ngàn tám mươi lễ mỗi ngày. Lễ như vậy được vài ba tuần thì tan hết nỗi khổ, niềm đau, và sự cô đơn của họ. Mỗi khi lạy xuống như thế, cái vỏ bản ngã của họ lại tan rã thêm. Nếu chúng ta lễ như tế sao mà không quán chiếu về tính cách vô thường, vô ngã và tương tức thì sẽ không có thành quả gì. Cho nên lễ là một phương pháp thực tập rất hay. Chúng ta hãy quán tưởng chúng ta đang lạy Bụt Thích Ca Mâu Ni là Thầy của chúng ta, là người khai sáng của đạo Bụt.
Chúng ta đứng trước Bụt Thích Ca Mâu Ni quán tưởng: Lạy Bụt, ngài với con, hai bên đều trống rỗng, không bên nào có một thực thể riêng biệt. Chính nhờ như vậy mà ngài với con mới có sự thông cảm nhiệm mầu. Ít có một tôn giáo nào mà tín đồ hướng về đức giáo chủ để nói một câu nói như vậy. Đối với một số các tôn giáo khác, đó là một thái độ kiêu căng và bất kính rất lớn. Chỉ có trong đạo Bụt người đệ tử mới có thái độ như vậy, vì năng lễ và sở lễ tánh không tịch cho nên cảm ứng đạo giao mới nan tư nghợi. Khi lạy xuống, nếu ta chuẩn bị tâm tư kỹ lưỡng chừng nào, thì kết quả càng lớn chừng ấy. Có nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ mới, thấy mình phải ngồi lên để mấy đứa con lạy xuống thì không chịu. Sống trong thời đại dân chủ, mỗi người có nhân phẩm, ngồi lên bắt con lạy xuống như vậy thì khó chịu lắm. Trong chùa cũng vậy, có nhiều thầy bây giờ không muốn người ta lạy mình. Một phần các thầy nghĩ mình không có đủ đức độ, để Phật tử lạy thì tổn phước. Như vậy là chưa đạt giáo lý của Bụt.
Các vị mới xuất gia hay được thầy bổn sư dạy về việc này. Khi mang hình tướng của người xuất gia, mình có thể trở thành đối tượng cho nhiều người cung kính. Và đó là điểm đáng lo trong đời sống xuất gia. Người ta khởi lòng cung kính tam bảo, thấy tướng mạo đoan trang của người xuất gia, họ muốn đảnh lễ. Nếu ta không có chánh niệm thì chỉ trong vòng vài năm, ta có thể bị hư liền. Ta tưởng mình là quan trọng lắm. Người mới tu mà bị Phật tử tới lạy thì cảm thấy rất xốn xang. Biết mình đức độ chưa có bao nhiêu, học hỏi chưa được bao nhiêu, giới luật chưa tinh nghiêm, mà phải ngồi đó để cho người ta lạy thì trong lòng rất khó chịu. Ta có thể hiểu được tâm trạng các bậc làm cha mẹ bị bắt buộc ngồi như hai pho tượng để các con sì sụp lễ. Nhưng chúng ta nên hiểu đây là một sự thực tập rất quan trọng. Cha mẹ là đại diện cho tất cả các thế hệ tổ tiên, ông bà. Những người trẻ họ có nhu yếu hướng về cội nguồn, họ cũng cần một biểu tượng để lạy. Nếu không ngồi cho họ lạy thì có thể họ sẽ quên mất gốc rễ, và không tiếp xúc được với ông bà và tổ tiên của họ. Cho nên dù quý vị là những bậc cha mẹ chưa đến tuổi già, quý vị cũng nên ngồi cho đàng hoàng để cho con cháu lạy. Trong khi ngồi đàng hoàng, quý vị có thể thực tập hơi thở chánh niệm và tưởng nhớ tới tổ tiên, thấy rằng các con mình đang hướng về các thế hệ tổ tiên để tìm nương tựa chứ không phải đang thần tượng hóa mình. Các cháu phải hiểu lạy đây không phải là lạy cái ngã của cha mẹ. Các cháu đang lạy với lòng biết ơn bao nhiêu thế hệ tổ tiên trong quá khứ đã mở nước, dựng nước, xây dựng nên nếp sống văn hóa của dân tộc. Người xuất gia hay mới xuất gia cũng vậy. Chúng ta mặc nhật bình hay áo tràng, tuy tuổi tu còn ít, đức độ còn kém, nhưng khi người ta tới lạy cũng phải ngồi cho thật trang nghiêm. Người ta không lạy cái ngã của mình đâu mà sợ. Người ta đang lạy Tam bảo. Họ lạy dòng sinh mệnh tâm linh, họ lạy Bụt và chư tổ qua con người mình. Cho nên ta phải ngồi cho thật đàng hoàng, phải tập thở cho chánh niệm. Phải quán chiếu rằng họ lạy đây không phải là lạy mình, lạy cái ta của mình, mà họ đang lạy truyền thống tâm linh của họ. Thấy được như thế thì ta có thể ngồi rất an nhiên và tự tại. Cái lạy đó sẽ không bao giờ làm cho ta trở thành kiêu căng. Còn nếu ta không quán chiếu ‘‘Năng lễ, sở lễ tánh không tịch’’ thì người ta chỉ cần lễ chừng ba lễ là mình mất hết công đức từ lúc mới tu cho đến lúc này. Không những mất hết công đức mới mà còn mất vào vốn cũ nữa!
Đó là bí quyết tôi thường truyền trao lại cho những người mới tu. Dù mới tu có hai ba ngày nhưng nếu có hai ba trăm người tới đảnh lễ ta cũng phải ngồi rất yên, rất trang nghiêm cho họ lạy. Trong khi người lễ, ta phải quán chiếu vô ngã, duyên sinh và vô thường. Được trao truyền bí quyết đó rồi thì ta có thể cứu được đời tu của ta. Những điều đơn giản và căn bản như vậy mà ta không được tiếp nhận, thì ta rất dễ đánh mất giới thân huệ mạng. Mỗi khi bị người ta lạy, tôi không sợ hãi chút nào cả. Tôi ngồi đó. Tôi thấy những cái lạy của người ta không động gì tới tôi, không làm cho tôi có thêm một chút tự hào nào hết. Có khi ngồi trên pháp tọa để truyền giới, năm trăm, bảy trăm người, cả ngàn người lễ xuống để nhận giới, tôi thấy được tâm trạng thiết tha thành khẩn của những người thọ giới. Họ đang hướng về tam bảo, hướng về mấy ngàn năm lịch sử của chất liệu tâm linh. Tôi ngồi đó để làm cái gạch nối giữa tổ tiên tâm linh và những người thọ giới. Cái lạy của họ không làm tôi khởi lên một tâm niệm ngã mạn, tự hào, tự phụ, nhờ vậy tôi chưa bao giờ bị sập vào bẫy cống cao. Tôi thoát được cái bẫy sập là nhờ thực tập không quán, và vô ngã quán.
Quán không trong khi ăn
Vậy trong khi lạy ta thực tập không quán, không như một cánh cửa giải thoát. Khi ăn cơm ta cũng thực tập không quán. Tiếp xúc với tăng thân, ta thấy tăng thân là mình, mình là tăng thân. Với thức ăn ta cũng quán như vậy, ta là thức ăn, thức ăn là ta. Ôm bình bát, lấy thức ăn, nào đậu que, nào cơm chiên, bỏ vào bình bát, trong lúc đó ta làm gì? Nếu sư chú không quán nhân duyên, không quán không, thì sư chú làm gì trong những lúc đó? Chính lúc đó là lúc ta thực tập. Xúc mấy thìa cơm bỏ vào bình bát, ta phải thấy cơm, phải thấy tính cách duyên sinh của cơm, phải thấy tính cách vô thường, vô ngã của cơm. Phải thấy cơm là chất liệu nuôi dưỡng mình, và chính mình được làm bằng cơm. Bài pháp thoại tôi đang nói cho quý vị nghe đây cũng được làm bằng cơm. Nếu biết cách, ta có thể biến khoai tây thành pháp thoại. Mà khoai tây cũng có thể làm ra chất độc. Khi miệng ta phun ra những sân si và buồn giận, thì khoai tây biến thành sân si và buồn giận.
Ta chỉ cần thực tập một phép quán thôi, vì thực tập một là thực tập tất cả. Phải thực tập tính cách không của mình và của thức ăn. ‘‘Năng ăn, sở ăn, tánh không tịch’’, nghĩa là người ăn và thức ăn cả hai tính chất đều không tịch. Vì vậy sự giao cảm giữa ta và thức ăn không thể nghĩ bàn được.
Ôm bình bát đi vào thiền đường ta nghĩ gì? Ta thực tập thiền hành, đi từng bước chân thảnh thơi. Mỗi bước chân có liên hệ đến sự an lạc của cả thế giới. Nếu trong khi ôm bình bát bước đi mà tâm ta không có chánh niệm, bước chân ta không thảnh thơi, thì đi như vậy uổng quá. Vì đó là cơ hội ta dâng hiến chất liệu an lạc, hạnh phúc và hòa bình cho thế giới. Nếu trong ta có hòa bình và an lạc thì ta mới có thể đóng góp vào hòa bình và an lạc của thế giới. ‘‘Peace always begins with me’’ là như vậy. ‘‘I walk for you’’, mỗi bước chân ta đi ta bước cho tất cả mọi người. Bước chân vững chãi, an lạc thì cả thế giới được hưởng.
Vào tới thiền đường, đặt bình bát, ngồi xuống, lúc đó các bạn tu cũng đang thực tập lấy cơm, bước từng bước vào thiền đường. Đã ngồi xuống rồi, chúng ta làm gì? Không lẽ chỉ ngồi chờ hay sao? Có thể mười lăm phút sau, có khi nửa giờ sau người chót trong đại chúng mới lấy cơm xong. Trong mười lăm phút hay nửa giờ đó, nếu ta nghĩ ngợi quẩn quanh, nhớ tiếc quá khứ, lo lắng tương lai thì ta không xứng đáng ngồi trong thiền đường. Thời giờ ngồi đó là thời giờ thực tập. Trong thời gian này ta thực tập tiếp xúc với tăng thân, tiếp xúc với giây phút hiện tại. Ta nhìn một sư anh hay một sư chị đang đi vào, theo dõi từng bước chân của người đó, mỉm cười với bông hoa trước bàn thờ, lúc nào cũng an trú trong hiện tại. Đó là những lúc ta có thể thực tập vô thường quán, vô ngã quán và nhân duyên quán. Những lúc đó là những lúc ta đang nuôi dưỡng hiểu biết và từ bi. Mười lăm phút hay nửa giờ đó ta không bỏ phí. Ngoài đời người ta phải nối đuôi sắp hàng để đợi vào rạp hát hay đợi mua vé xi-nê. Trong những lúc đó họ có thể bồn chồn, nóng nảy. Nhưng trong các thiền viện, những lúc như vậy là những lúc ta thực tập. Chúng ta tu tập cho không tam muội có mặt trong ta. Khi đã tiếp xúc được với cái Không rồi thì những hiện tượng như tới, lui, sống, chết, có, không, v.v.. không còn làm động tới tâm mình nữa.
Sự chuyển hóa của ta tùy thuộc vào việc hành trì mỗi ngày. Một ngày nào đó, một người thân của chúng ta sẽ qua đời, một người thương của chúng ta sẽ bỏ chúng ta đi, hay chính bản thân ta sẽ bệnh, sẽ chết. Những chuyện đó sẽ xảy ra, thế nào cũng phải xảy ra. Nếu chúng ta không thực tập bây giờ thì làm sao ngày ấy ta có thể sẵn sàng tiếp nhận những gì xảy ra với tâm trạng bình thản được? Chúng ta đi vào cánh cửa giải thoát nhờ không quán và không tam muội. Vậy trong mười lăm phút hay nửa giờ ngồi trước bình bát, chúng ta nên thực tập không khác gì khi ta ngồi thiền. Ngồi thiền ta cũng chỉ làm như vậy. Ngồi an trú trong hiện tại, tạo ra an lạc và hạnh phúc ngay trong giờ phút này.
Quán vô tướng
Tam muội thứ hai là Vô Tướng. Cũng như Không tam muội, Vô Tướng tam muội cũng được tạo tác bằng tuệ giác về vô thường và vô ngã. Tướng là tướng trạng, tướng mạo (appearance) của sự vật. Tướng là đối tượng của tri giác. Đối tượng là tướng, mà chủ thể là tưởng. Tướng và tưởng không thể rời nhau mà có. Không có đối tượng tồn tại biệt lập ngoài tưởng, tức là ngoài tri giác của chúng ta. Trong kinh Kim Cương có câu: Ở đâu có tướng thì nơi đó có sự đánh lừa. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Chúng ta bị cái hư vọng đánh lừa. Câu tiếp theo: Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai. Nếu thấy được cái phi tướng ở nơi cái tướng tức là thấy được thực tại mầu nhiệm, thấy được Như Lai.
Thực hiện điều này cũng không khó lắm đâu, nếu ta biết sử dụng những chiếc chìa khóa vô thường và vô ngã. Hãy quán chiếu về vô thường, hãy quán chiếu về vô ngã. Ta sẽ thấy được tính chất vô tướng của các tướng. Chúng ta thử quán chiếu về một bông hoa. Chúng ta có tri giác (tưởng) về bông hoa nên thấy tướng của bông hoa. Tôi từng nói rằng hoa được làm bằng những yếu tố không phải là hoa. Sở dĩ ta bị kẹt vào tướng hoa vì nghĩ rằng cái tướng hoa tách rời khỏi những cái tướng khác. Ta tưởng rằng hoa chỉ là hoa thôi, hoa đâu có thể là những cái không phải là hoa được. Mặt trời là khác, đám mây là khác, phân rác là khác, đại địa là khác. Nhưng nhìn cho kỹ thì ta thấy rằng hoa là mặt trời, hoa là đám mây, hoa là đại địa. Nhìn vào mặt trời, nhìn vào phân rác, nhìn vào đại địa ta cũng có thể thấy hoa. Đó là thấy cái phi tướng của tướng. Người làm vườn nhìn vào đống rác mà thấy được hoa, đó là thấy được cái phi tướng của cái tướng. Người làm vườn dùng phân hữu cơ là người có thể thấy được tính cách bất nhị của phân rác và hoa trái. Nhìn vào trong phân rác họ thấy hoa trái, nhìn vào hoa trái họ thấy phân rác. Nếu áp dụng được cách nhìn đó trong mọi lĩnh vực khác của tri giác thì ta sẽ chứng ngộ.
Người làm chính trị cũng có thể thực tập như vậy. Người làm kinh tế cũng có thể thực tập như vậy. Nếu những nhà chính trị, những nhà kinh tế, những nhà giáo dục thực tập lối nhìn vô tướng, thì thế giới của chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Ví dụ một số người trẻ vào tù vì ăn cướp hoặc giết người. Khi bắt những người ấy giam lại, ta nên quán chiếu về vô tướng và vô ngã. Chúng ta đã tổ chức cuộc sống trong xã hội như thế nào cho nên hoàn cảnh mới sinh ra những lớp trẻ như vậy? Bây giờ chỉ biết giam giữ họ trong tù hay đem giết họ đi, thì ta đâu có giải quyết được vấn đề! Nếu cách thức tổ chức sinh hoạt của xã hội của ta cứ tiếp tục thế này thì chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn người trẻ như vậy, để bỏ vào tù.
Khi vị quan tòa, nhà chính trị hay nhà giáo dục nhìn vào một người trẻ phạm tội, họ phải thấy Tương tức, thấy Vô ngã, thấy Không, để hiểu rằng sở dĩ cái này như thế này là tại vì cái kia như thế kia. Nếu đời sống thành phố quá nhiều bạo động, quá nhiều tội ác, quá nhiều những cô gái ăn sương, thì các nhà giáo dục, và chính trị phải quán chiếu vô thường, vô ngã, vô tướng, và tương tức, để thấy rõ tại sao tình trạng đã đi tới như vậy. Chúng ta có nên chỉ đổ tội cho những người trẻ đó hay không, hay phải thấy trách nhiệm của chúng ta trong học đường, trong gia đình và trong xã hội? Những điều ta nói, những việc ta làm, cách ta tiếp xử trong đời sống gia đình, trong phạm vi học đường và xã hội đã đóng góp những gì để tạo ra những người trẻ như vậy? Có những bạn trẻ mới mười tám tuổi đã tự bắn vào đầu vì thấy sống không có ý nghĩa, không có niềm vui, không có lý tưởng nữa. Mà xã hội có rất nhiều những người trẻ như vậy. Đi vào con đường ma túy, ăn cướp, bặng đảng cũng là một loại tự tử.
Khi một thương gia, một nhà kỹ nghệ để hết thời giờ ra làm giàu, ông ta phải quán chiếu các hậu quả của thái độ ấy trên đời sống gia đình, trên vợ con mình, và trên xã hội. Việc kinh doanh của mình có thể làm đổ vỡ gia đình, tàn phá xã hội và thiên nhiên. Một nhà chuyên môn làm quảng cáo phải quán chiếu những phim ảnh, và bài quảng cáo của mình. Họ thường khai thác những thị dục và các mối sợ hãi tiềm ẩn trong tâm lý của công chúng. Có người làm trong ngành quảng cáo đã thú thật rằng công việc của họ không đúng với những chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ của họ. Nếu họ muốn trung thực với chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ thì họ sẽ mất việc làm. Ông ta nói: ‘‘Bạch thầy, nếu mà con nói đủ những cái tốt và cả những khía cạnh tiêu cực của sản phẩm này thì không ai mua hết. Con sẽ mất sở, và hãng của con cũng sẽ vỡ nợ.’’ Cho nên trong sinh hoạt xã hội, ngôn từ và hành động của chúng ta nếu không căn cứ trên nguyên tắc tương tức, tương nhập, vô thường, vô ngã, không và vô tướng thì chúng ta sẽ tạo rất nhiều tội ác.
Áp dụng quán vô tướng trong cuộc sống
Trẻ em trong xã hội ta phải đi học mười mấy năm mới ra trường. Chúng học đủ thứ ở trong trường. Nhưng có thể sau mươi, mười lăm năm, ra trường rồi các em vẫn chưa biết cách sống. Nhờ đâu mà mọi người biết đọc và biết viết? Vì mọi người đều đã đến trường để học đọc và học viết. Tại sao chúng ta không biết đối trị với cơn giận và hòa giải với những người chúng ta thương yêu? Vì chúng ta chưa bao giờ được học những nghệ thuật đó trong một trường nào cả. Tại trường, vì chúng ta không được học những nghệ thuật đó, nên chúng ta không biết thở, không biết cười, không biết hóa giải nội kết, không biết chuyển hóa còn giận. Vì vậy ta phải tìm cách đưa những thực tập này vào dậy trong các trường mẫu giáo, các trường tiểu học và trung học. Mục đích của học đường bây giờ chỉ là để cung cấp cho ta một số kiến thức và kỹ thuật để có thể sinh nhai. Trường học không dạy cho chúng ta nghệ thuật tạo hạnh phúc cho mình, cho những người mình thương, và cho xã hội. Cho nên chúng ta cần vận động, hô hào, và khuyến khích cách mạng nền giáo dục quốc gia. Làm thế nào từ những năm mẫu giáo, các cháu đã có thể học đi, học cười, học nói, học làm cho mình và mọi người hạnh phúc. Học chữ, học toán cũng khó lắm chứ, vậy mà các em cũng học được. Học thở, học cười, học chuyển hóa cơn giận cũng khó. Nhưng chúng ta cũng sẽ làm được. Các em đang còn nhỏ như mặng non, thế nào cũng uốn nắn và tập dượt được. Khi một em bé nổi giận, sắp gây gỗ, chứi bới và đánh lộn, em bé đó không tự biết phải làm gì để có thể thoát ra khỏi cơn giận dữ. Điều đó cô giáo phải dạy, thầy giáo phải dạy. Phải dạy cho tới nơi tới chốn. Đến khi em ấy lớn lên, mười lăm, hai mươi tuổi, em mới biết nghệ thuật sống với gia đình, sống với người khác, và sống trong xã hội.
Trước đây tôi có đề nghị lập ra một học viện cho những người đến tuổi thành lập gia đình, để cho những người này có cơ hội học những nghệ thuật sống chung. Hai người trẻ lấy nhau, thành vợ chồng rồi, nhưng có thể vẫn còn vụng về, gây ra nội kết cho nhau, tưới tẩm những hạt giống giận hờn, và mặc cảm trong nhau. Nếu không biết gì hết về nghệ thuật tu tập và sống chung thì họ sẽ mang lại khổ đau cho nhau. Đến khi sinh con, họ cũng sẽ gieo vào các con rất nhiều hạt giống của khổ đau. Khi sinh ra đời, ta mang đủ những hạt giống khổ đau và hạnh phúc. Nếu may mắn thì những hạt giống tốt được tưới bón, còn nếu không may thì chính gia đình, xã hội, học đường sẽ chỉ tưới tẩm những hạt giống khổ đau, thất vọng, buồn khổ và giận hờn trong ta mà thôi. Đến khi lập gia đình, vì không biết phương pháp nên ta lại tưới tẩm những hạt giống xấu của nhau. Sinh con ra, ta cũng sẽ gieo hạt giống xấu cho con, và góp phần làm lớn thêm nỗi khổ đau chung của xã hội. Có khi con thù ghét chính cha mẹ, rồi thù ghét mọi người. Và khi đến lượt được dựng vợ gả chồng thì họ cũng làm khổ lẫn cho nhau. Cái vòng luân hồi tiếp tục lẩn quẩn như vậy. Cho nên lập ra một học viện như thế là cần thiết lắm. Các bạn trẻ vào học một hoặc hai năm và thực tập trong một tăng thân, để có một ít bản lãnh làm vốn liếng thành lập gia đình, sinh con đẻ cái.
Nếu không có tuệ giác về vô ngã, về vô tướng, và về không, thì trong lúc đau khổ ta sẽ chỉ biết trách cứ người này, người khác. Hay ta có thể phạm tội giết người. Sở dĩ người ta giết người vì họ nghĩ rằng người ấy là nguồn gốc nỗi khổ đau của họ. Có khi ta tự giết mình vì ta không có khả năng đối diện với quá nhiều khổ đau. Ta không biết rằng trong ta có người, trong người có ta, không thể chỉ có một nguyên cớ duy nhất tạo nên đau khổ của mình. Vô tướng mới nghe, ta thấy giống như là một triết lý, như là đang nói chuyện trên mây, nhưng quả thật rất thực tế và thiết yếu cho đời sống. Nhìn sâu vào đứa con, ta thấy các yếu tố xã hội, văn hóa, giáo dục, tổ tiên, và đất nước đã làm ra đứa con ấy. Cái thấy đó là cái thấy vô ngã, cái thấy vô tướng, khiến ta phát khởi lòng thương. Ta biết rằng nếu thấy được gốc rễ của khổ đau, thấy được những điều kiện nào đưa con mình tới tình trạng bất như ý như thế, thì ta mới biết hiểu, biết thương, biết cách chuyển hóa, và đứa con sẽ có hy vọng chuyển hóa.
Vậy vô tướng ở đây có nghĩa là phá tướng, nghĩa là vượt ra khỏi cái tướng. Tướng là ý niệm cạn cợt, sai lầm. Nhìn đứa con mà thấy được tất cả xã hội, thấy được cả môi trường văn hóa, và kinh tế; cách nhìn đó gọi là cách nhìn vô tướng. Vô tướng có nghĩa là vô ngã và cũng hàm nghĩa vô thường. Ví dụ ta nói về ông bà, và tổ tiên. Nếu bị kẹt vào ngã và tướng ta sẽ nghĩ là ông bà, và tổ tiên không còn nữa. Nhưng quán chiếu vào tự thân qua cánh cửa vô thường, vô ngã và vô tướng ta thấy tất cả các thế hệ ông bà, và tổ tiên đang có mặt trong con người ta. Ta vẫn tưởng là Bụt và các vị bồ tát không còn nữa. Nhưng đã được trao truyền giáo lý vô tướng mầu nhiệm, ta thấy trong ta có Bụt, có Pháp, có Tăng. Nhờ đó ta thấy được tính không sinh không diệt của Bụt, của Pháp và của Tăng. Mỗi giây phút ta có thể tiếp xúc với Bụt, Pháp và Tăng. Đó là vô tướng. Nói rằng mình vô phước, sinh ra đời thì Bụt đã nhập diệt trên 2500 năm rồi, nghĩ như vậy là suy nghĩ theo lối hữu tướng. Bụt không bị giam khóa trong hình hài của một con người sinh ra ở Ca Tỳ La Vệ cách đây 2600 năm. Bông hoa cũng vậy. Bông hoa không thể bị giam khóa vào trong cái tướng trạng ta đang nhìn thấy đây. Vì vậy ta phải thấy được bông hoa ngoài cái tướng của bông hoa.
Mười mấy năm trước, ba của bé Phòng đã tới Làng Mai làm lễ cầu siêu cho bé. Trong bài thuyết pháp hôm ấy tôi đã nói tới vô tướng. Sau đó tôi cùng ba của bé Phòng đi thiền hành một vòng trên xóm Thượng. Tôi đã dặn: ‘‘Bây giờ thầy trò mình đi thiền hành như thế nào để có thể thấy được bé Phòng ngoài cái tướng của bé Phòng mà trước giờ mình vẫn thấy. Đi như thế nào để có thể thấy được bé Phòng trong mỗi lá cây, mỗi ngọn cỏ, mỗi bông hoa nhỏ, và mỗi hơi thở của mình.’’
Đời Lý có một vị thượng thư tên là Đoàn văn Khâm. Sư phụ ông viên tịch, các đệ tử than khóc rất nhiều. Ông đã làm một bài thơ phúng điếu thầy, trong đó có hai câu:
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt, Viện tiền sơn thủy thị chân hình.
dịch :
Các bạn đừng nên thương cảm quá Núi sông trước viện chính là thầy
Đạo lữ tức là các bạn tu của tôi ơi. Bất tu là không nên. Thương vĩnh biệt là đau thương quá về sự vĩnh biệt. Thầy tịch rồi nhưng đừng có đau thương, đừng khóc lóc quá, đừng bị kẹt trong tướng trạng của thầy. Phải thấy thầy trong tính vô tướng của thầy. Viện tiền sơn thủy thị chân hình, những hình dáng núi sông mà chúng ta thấy ở trước thiền viện, đó là chân hình của thầy. Các bạn hãy lau nước mắt đi, hãy nhìn núi, nhìn sông ở trước thiền viện. Hãy mỉm cười. Thầy chúng ta đang còn đó. Chân lý về vô tướng, và tuệ giác về vô tướng giúp ta thoát khỏi những ý niệm có, không, sinh, diệt, còn, mất, giúp ta giải thoát được những sầu đau, thất vọng. Vì vậy vô tướng là một trong ba cánh cửa giải thoát.
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, cái gì có tướng, đều là sự đánh lừa. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tất kiến Như Lai. Nếu thấy được cái phi tướng ở nơi cái tướng tức là thấy được Như Lai. Đó là tinh túy của Kinh Kim Cương.
Thầy và tổ có lòng từ bi rất lớn. Sau khi nói tới không tam muội sợ người mới học bị kẹt vướng vào ý niệm không. Các vị dạy thêm rằng sau khi đã học Không Tam Muội rồi, phải học Không Không Tam Muội. Sau khi học vô tướng tam muội ta cũng hay nghĩ rằng cái tướng này không có, cái đó cũng sai. Chân tướng của tướng không phải có mà cũng không phải không. Sau khi đã nghe về vô tướng tam muội thì phải biết thêm về Vô Tướng Vô Tướng Tam Muội. Cửa giải thoát thứ ba là vô tác tam muội cũng vậy, phải được bổ túc bằng Vô Tác Vô Tác Tam Muội. Tất cả gọi chung là Tam Trùng Tam Muội.
Như ta đã biết, Tam giải thoát môn được khai triển và chú trọng rất nhiều trong đạo Bụt Bắc Tông. Giáo lý không, vô tướng và vô tác có mặt trong kinh điển Pali, nhưng trong truyền thống Nam Tông, giáo lý này không được khai triển đầy đủ.
Nếu chúng ta không tu tập theo ba cánh cửa giải thoát, ba thứ định không, vô tướng và vô tác, thì chúng ta không thể dễ dàng phá tung những chướng ngại, và cố chấp để đi vào thế giới của giải thoát, của tự do.
Trích từ sách Trái tim của bụt của thiền sư Thích Nhất Hạnh