Mất chỗ nào tìm chỗ đó
Trời đã nhá nhem tối mà bà Rabiya ( nhà thần bí thuộc giáo phái Sufi - Hồi giáo mật tông) còn lúi cúi như tìm kiếm vật gì đó đánh rơi trên con đường gần túp lều nhỏ của bà. Một số người tụ tập gần đó thấy vậy liền hỏi: " Bà tìm cái gì vậy?" - " Cây kim", bà Rabiya đáp gọn và vẫn cắm mặt dò tìm một cách khó nhọc. Nhóm người kia lại tiếp: " Chúng tôi sẽ tìm giúp bà, nhưng bà phải nói cho chúng tôi biết là bà có nhớ đã làm rơi nó ở chỗ nào không?". Bà Rabiya xua tay: " Không! Không! Cây kim của tôi đâu có rơi ở ngoài này, chính xác là nó đã rơi ở trong lều á". " Tôi chắc là bà không bình thường rồi, cây kim rơi ở trong lều mà ra đây tìm?", một người trong nhóm thốt lên, Bà Rabiya cười: " Tại vì trong lều tối om, còn ngoài này thì vẫn có chút ánh sáng!". Nhóm người kia lắc đầu định bỏ đi, bà Rabiya liền nghiêm giọng: " Vậy sao các bạn cứ tìm kiếm bình yên ở bên ngoài trong khi các bạn đâu có làm mất nó ở bên ngoài đâu, bên trong các bạn kia mà!".
Các nhà khoa học nói não có chức năng chế xuất nội tiết tố endorphin và serotonin để làm êm dịu thần kinh mỗi khi ta bị căng thẳng hay đau nhức. Tuy nhiên, nếu ta dùng các loại thuốc có cùng công thức hóa học với chúng để chống trầm cảm hay để có cảm giác hưng phấn thì não bộ sẽ ra lệnh ngưng chế xuất những nội tiết tố tự nhiên ấy. Buộc ta phải đưa thuốc vào liên tục, nếu không thì phải chịu vật vã, đau đớn. Tức là ta đã lệ thuộc vào thuốc, nghiện vào cảm giác dễ chịu. Giải pháp duy nhất là phải can đảm cắt nguồn cung cấp từ bên ngoài, nhưng phải biết cách để kích hoạt khả năng chiết xuất nội tiết tố của não trở lại. Lý thuyết là vậy, thực tế thì hầu như ai đã nghiện thuốc rồi đều không rứt ra nổi.
Người Tây phương bây giờ rất chú trọng từ " inner" nghĩa là " bên trong" chẳng hạn như " inner power" ( quyền lực bên trong), hay " inner peace" ( bình yên bên trong). Có lẽ họ cũng đã chán ngấy cái quyền lực đến từ sự kính trọng, nể phục và tuân thủ của người khác, cái họ cần là làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân, và làm chủ cuộc sống của mình và đó mới là quyền lực đích thực. Bình yên cũng vậy, họ cũng đã ý thức được bình yên đến từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài thì rất may rủi, mong manh, và họ thấy được cái bình yên từ sự lắng dịu của tâm hồn, từ sự dừng lại những ham muốn và đòi hỏi mới là thật, mới là bền vững.
Thế nên họ tìm tới nhiều truyền thống tâm linh, trong đó có thiền Phật giáo, để học cách " quay vào bên trong", khơi dậy những giá trị quý báu mà họ đã bỏ quên. Biết là rất khó, rất trái ngược với thói quen lâu đời, nhưng thà như vậy mà đi đúng đường còn hơn là tiếp tục sai lầm, tiếp tục lao đi tìm kiếm những thứ chỉ tạo nên cảm xúc thỏa mãn nhất thời mà lại phải trả giá rất đắt. Xa ở đâu họ cũng tìm tới, khổ luyện bao nhiêu họ cũng chấp nhận, khóa thiền dài bao lâu họ cũng gom hết ngày nghỉ phép để tham dự. Họ tin tưởng con đường đang đi từ chính sự trải nghiệm của mình.
" Môn võ thuật mà tôi đang luyện rất giống điêu khắc, không đắp mãi vào mà phải đẽo gọt bớt những chỗ thừa thãi để chân lý hiển lộ rõ ràng." ( Huyền thoại võ thuật Trung Hoa, Lý Tiểu Long)
Ta đang thiếu thốn cái gì, đang tìm kiếm thứ gì, đang hy vọng vào điều gì ở tương lai, đang trông chờ ai làm cho mình yên ổn và hạnh phúc? Từ khi ta bắt đầu phóng ra tâm ham muốn, bắt đầu lên đường tìm kiếm, bắt đầu rời bỏ thực tại, bắt đầu sống với tương lai, bắt đầu tin tưởng vào hoàn cảnh và đối tượng... là ta đã để cho tâm hồn mình xáo trộn, căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ, tức giận, ganh ghét, oán thù... Đáng lẽ phải " đẽo gọt" bớt phiền não, bớt tham sân si đi, thì ta lại " đắp mãi" vào mình những danh vọng, những hào quang lấp lánh. Ta thực sự lạc lối giữa cuộc sống có quá nhiều chiếc bẫy ngọt ngào luôn ẩn tàng ở khắp mọi nơi.
Thiền tập cống hiến cho ta cơ hội lớn để quay về đúng chỗ mình đã đánh rơi bình an và hạnh phúc.
Khoảng cách tuy rất gần, chỉ trong gang tấc, nhưng cái khó là phải xuyên qua bức tường kiên cố phiền não. Cách xuyên qua nó không gì khác hơn là kiên trì tỉnh thức để nhận diện và quan sát nó với thái độ đúng đắn.
Xây dựng bình yên bên trong không có nghĩa là khước từ bình yên đến từ bên ngoài. Cứ hoan hỷ đón nhận nhưng phải tỉnh táo để luôn ý thức rằng nó đến rồi đi, nên không để cho tình trạng bám víu hay nghiện ngập xảy ra. Bình yên đến từ bên trong là hoa trái tự nhiên của quá trình phát triển chánh niệm chứ không phải do mong muốn mà được. Nếu mong muốn thì đã là phiền não, là áp lực rồi!
Trích từ sách Làm như chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Lamnhuchoi, # Minhniem.