Bứt phá một lần
Nếu nhận thấy cuộc sống hiện tại cứ bình bình, không có gì nổi bật, không có bước tiến bộ nào so với một năm trước, thậm chí là đang tụt dốc mặc dù ta đã phấn đấu hết mức, thì chuyện kể sau đây của Camilo Cruz sẽ giúp ta nhìn ra vấn đề của mình và có thể đi tới một quyết định lớn để thay đổi cuộc sống.
Có một vị thầy nọ rất thông tuệ, giàu kinh nghiệm huấn luyện học trò trở thành người tài năng, sống hạnh phúc, có ích cho xã hội, và đứng vững trong cuộc đời.
Lần nọ, ông dắt một đồ đệ đi du ngoạn qua nhiều vùng sinh hoạt khác nhau và cuối cùng dừng lại ở một căn nhà bên rìa thị trấn. Đó là một khu dân cư nghèo khổ, nhếch nhác và bao trùm một màu ảm đạm. Căn nhà để thầy trò xin nghỉ nhờ cũng đã rệu rã nhưng chứa tới tám người gồm cha mẹ, ông bà và bốn đứa con nhỏ.
Cả tám người đều trông rất tiều tụy, khắc khổ. Còn trong căn nhà thì chẳng có thứ gì đáng giá ngoài một món tài sản khá bất thường: một con bò mập ú.
Con bò thì chẳng có gì để nói, nhưng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của họ chỉ xoay quanh con vậy này, " Bò đâu rồi?", " Có ai cắt cỏ cho bò chưa", " Có lấy nước sạch ngoài suối cho nó uống không?", " Bò đang ngủ hay đang làm gì đó?",...mặc dù chút sữa ít ỏi do nó cung cấp chỉ đủ để họ sống vật vã qua ngày.
Nhưng, con bò còn phục vụ mục đích lớn hơn: nó là thứ duy nhất giúp họ khỏi rơi vào đường cùng, khiến họ an tâm nghĩ rằng mình chưa đến nỗi nào qua những lời trầm trồ, ngưỡng mộ và cả ánh mắt ganh tỵ của những người bần cùng chốn này.
Khi bình minh vừa ló dạng, hai thầy trò khăn gói lên đường một cách cẩn thận để không đánh thức chủ nhà. Thình lình người thầy đi xăm xăm về phía con bò đang bị buộc vào hàng rào lung lay cách căn nhà chừng hai mươi mét. Chưa kịp định thần để đoán biết thầy mình đang làm gì, anh chàng học trò giật bắn người đến muốn ngất đi khi thấy vị thầy khả kính rút dao ra đâm một phát chí tử vào cổ con bò.
" Trời ơi, sao thầy nhẫn tâm giết chết con vật tội nghiệp này", " Đây là loại bài học gì mà kinh khủng quá vậy, khiến cho gia đình người ta mất trắng gia tài và có thể rơi vào bước đường cùng như chơi?". Người thầy vẫn không chút xao động, cứ lẳng lặng bước đi, để lại nỗi hoang mang tột độ trong lòng người học trò.
Một năm sau, người thầy dắt học trò trở lại ngôi làng cũ. Cảnh xưa vẫn còn đó nhưng chẳng thấy căn nhà rệu rã kia đâu; chỉ thấy trước mặt là căn nhà mới toanh, mùi gỗ còn thơm phức, xây trên nền nhà cũ. Chủ căn nhà này không ai khác, chính là những người đã cho thầy trò họ tá túc năm trước. Chỉ có khác là giờ đây họ ăn mặc sạch sẽ, chải chuốt gọn gàng, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt rất linh lợi.
" Phải thừa nhận rằng", người chủ nhà chia sẻ, " phản ứng đầu tiên của chúng tôi là vô cùng tuyệt vọng. Chúng tôi đã rơi xuống đáy cuộc đời khi không có con vật ấy, bởi trong suốt thời gian dài sữa bò là nguồn sống duy nhất cũng là gia tài duy nhất của gia đình". Ông nói tiếp: " Nhưng có lẽ chuyện mất con bò đã mở mắt cho chúng tôi thấy một triển vọng khác của cuộc sống. Chúng tôi cần thức ăn nên đã mạnh dạn bước ra mảnh đất sau nhà phát hoang và trồng trọt, không ngờ được mùa ăn không hết nên đem đi bán, rồi trồng thêm nữa, rồi có của ăn của để và cất được căn nhà này".
Trên đường về, thấy học trò như đang sốc nặng, người thầy bèn lên tiếng: " Con có nghĩ là gia đình nọ có thể gặt hái được những kết quả như vậy nếu họ còn con bò không?". " Chắc chắn là không, thưa thầy!", người học trò nhỏ nhẹ đáp. Thấy đã tới lúc khai tâm người học trò, người thầy ra dấu hiệu ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy:
" Con bò mà họ yêu quý như báu vật thực chất chỉ là sợi dây xích buộc cuộc đời họ với nghèo đói và khổ cực. Họ đinh ninh là con bò đó giúp họ khỏi suy sụp. Nhưng đến khi mất đi sự an toàn giả tạo thì họ mới tỉnh ra, có thể nhìn sang hướng mới."
" Ta hay kẹt vào cái nhỏ hẹp, giới hạn rồi cho là đủ. Suy nghĩ đó đã ngăn không cho ta tìm kiếm những thứ khác tốt đẹp hơn. Sự thỏa mãn làm hỏng cuộc đời ta. Ta chấp nhận hoàn cảnh dù không thấy giá trị gì của chúng. Ta không thấy vui sướng với cuộc sống hiện tại nhưng cũng không thấy khốn khổ. Ta thất vọng với chính mình nhưng sự bất mãn không đủ lớn để ta quyết tâm thay đổi. Có bi đát không?"
" Khi có một công việc mà ta không ưa thích, chẳng đáp ứng nhu cầu tối thiểu, chẳng mang lại bất cứ sự thỏa mãn cá nhân nào thì quyết định bỏ đi tìm việc khác là dễ dàng. Nhưng khi công việc ta không thích đó có thể giúp ta trả được nợ, sống sót, tận hưởng một vài tiện nghi nho nhỏ thì ta lại dễ dàng rơi vào cái bẫy của sự hài lòng và suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được cái gì đó. Cuối cùng ta cũng tìm ra được cách nghĩ rằng khối người muốn cái việc đó mà có được đâu."
" Nếu không gạt bỏ thái độ tự kiềm hãm đó, mãi mãi ta sẽ không thể được gì khác hơn ngoài những thứ ta đã biết lâu nay. Ta sẽ trở thành nạn nhân chung thân với những giới hạn mà ta tự đặt ra trong cuộc sống của mình."
" Nhiều người cố giữ lại cái lý do họ không thể sống cuộc đời họ luôn mơ ước. Tạo nên những lời bào chữa rất đáng tin cậy để biện hộ với người khác và với chính mình, và tiếp tục sống với những xáo trộn nội tâm khi họ nhận ra rằng những lý lẽ đó có thể đánh lừa được những người khác chứ không lừa được bản thân mình."
Người học trò nghe theo xong, rúng động, như có trận động đất bên trong.
Anh chàng bắt đầu xét kỹ lại những hạn chế mà anh đã đồng nhất với nó trong suốt thời gian qua, quyết định sẽ loại bỏ tất cả niềm tin đã trói buộc anh vào cuộc đời làng nhàng đến tầm thường, ngăn anh thể hiện tiềm năng thật sự của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, anh tự nhủ, ngày hôm đó đã đánh dấu sự bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc đời " không có bò"
Steve Jobs đã từng nói: " Cứ sống trong đói khát, và sống trong cả dại khờ" ( Stay hungry, stay foolish). Khi ta đã no nê với chút thành quả thì đời nào ta muốn vươn tới những cái to tát hơn, và khi ta muốn sống cho giống với tâm thức cộng đồng để có được cái này cái kia thì làm sao ta có thể làm nên đại cuộc? Chỉ có đói khát và dại khờ, chỉ có cồn cào và sống khác thiên hạ đi, chỉ có không có gì và không sợ hãi thì ta mới đủ sức làm cho thế giới đổi thay vì những sáng tạo vô cùng của mình.
Ta có muốn bước ra khỏi cuộc sống lành nhàng và tầm thường của mình không? Ta có khát vọng nào không? Có dám sống một đời sống " không có bò" không? Nếu có thì hãy làm đại một cú bứt phá, thả hết bò đi! Không đủ can đảm thì hãy nhờ một bậc cao nhân nào đó ra tay, hay đành chờ một biến cố nào đó tới lấy đi dùm.
Trích từ sách Làm Như Chơi - Minh Niệm
# Làm như chơi, # Minh Niệm, # Thầy Minh Niệm, # Thích Minh Niệm, # MinhNiem.