Sách chữa lành ( healing) - Thiền sư và em bé 5 tuổi
PHẦN 1:
PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU
Hiệp ước sống chung an lạc
Nếu ta và người kia, hay ta và gia đình ta không muốn khổ đau, không muốn kẹt vào trong những cuộc xung đột, đổ lỗi cho nhau, chúng ta có thể ký một hiệp ước. chúng ta nói rằng: " Em ơi, tôi biết trong em có hạt giống giận dữ. Tôi biết mỗi khi tôi tưới tẩm hạt giống giận dữ đó thì em khổ và em cũng làm tôi khổ. Vì vậy, tôi nguyện không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong em. Tôi hứa như vậy. Tất nhiên tôi cũng hứa là sẽ không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi. Xin em hãy quán chiếu xem thử chúng ta có thể cam kết với nhau hay không. Trong đời sống hằng ngày, xin em đừng đọc, đừng xem, đừng tiêu thụ bất cứ thứ gì tưới tẩm hạt giống giận dữ, bạo động trong em. Em biết là trong tôi có hạt giống giận dữ rất lớn. Mỗi khi em tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi bằng lời nói hay hành động thì tôi khổ đau và tôi làm cho em khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải ý thức và nỗ lực để đừng tưới tẩm những hạt giống bạo động và giận dữ cho nhau".
Đó là một phần của hiệp ước sống chung an lạc mà chúng ta cam kết với người thương của chúng ta, như vợ, chồng, con cái. Nếu có ai đó trong gia đình hay trong tăng thân làm chứng cho việc ký kết hiệp ước của ta thì rất tuyệt vời. Theo hiệp ước sống chung an lạc thì mỗi khi cơn giận phát khởi, ta không nói gì và làm gì cả. Chúng ta chỉ trở về ngôi nhà của chính mình để chăm sóc cơn giận, chúng ta thực tập nhìn sâu để tiếp xúc và nhận diện nguồn gốc của nỗi khổ đau trong ta.
Tuệ giác đầu tiên mà ta đạt được đó là thấy được nguồn gốc chính của nỗi khổ đau là do hạt giống giận dữ trong ta, còn người kia chỉ là nguyên nhân thứ hai. Chúng ta có thể nhìn vào người kia và hiểu được là họ không biết cách thực tập, không biết cách làm chủ và chăm sóc những bạo động trong họ. Người ấy đã khổ đau nhiều lần và đã trở thành nạn nhân của chính nỗi khổ đau của họ. Vì vậy người ấy tiếp tục khổ đau và làm cho những người chung quanh đau khổ. Điều này cũng rất tự nhiên. Người ấy cần sự giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đó là tuệ giác thứ hai mà ta đạt được.
Chúng ta cũng có thể đi xa hơn nữa bằng cách đặt câu hỏi: " Nếu người kia cần sự giúp đỡ thì ai sẽ là người giúp họ?". Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là người hiểu người ấy hơn ai hết, và ta có nhiệm vụ trở về để giúp đỡ người ấy. Khi cái ước muốn trở về giúp đỡ người ấy phát sinh trong ta, ta biết rằng cơn giận của ta đã chuyển hóa thành tình thương yêu. Tình thương và lòng từ bi thúc đẩy ta trở về giúp đỡ. Tôi biết có nhiều người trẻ thực tập ở Làng Mai đã trở về nhà giúp đỡ cha mẹ họ. Họ không còn giận cha mẹ nữa.
Viết thư
Có một thanh niên rất giận dữ với mẹ. Tôi yêu cầu mọi người đang tham dự khóa tu viết xuống những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ mình. Chàng thanh niên đó tự nói với chính mình rằng: " Ồ, viết những đức tính tốt của cha thì dễ, nhưng viết những đức tính tốt của mẹ thì chẳng có gì nhiều để viết cả". Nhưng rồi anh ta cũng ngồi xuống viết; và khi bắt đầu đặt bút xuống, anh ta rất ngạc nhiên là mình tìm thấy hết điểm này đến điểm khác, cứ thế mà anh ta viết xuống rất nhiều những đức tính tốt của mẹ. Một trang không đủ. Anh ta phải lật sang trang khác và tiếp tục viết.
Trong suốt thời gian này, anh ta thực tập nhìn sâu và nhận ra rằng mẹ mình có rất nhiều đức tính tốt. Anh ta giận mẹ mình chỉ một điểm, thế mà cơn giận che hết tất cả mọi thứ khác. Làm xong bài tập này anh ta khám phá ra mẹ mình là một người quá tuyệt vời. Và bài tập tiếp theo là anh ta viết bức thư đầy tình cảm cho mẹ.
Trong lá thư anh ta nói: " Mẹ ơi, con rất hạnh phúc và tự hào là đã có người mẹ như mẹ". Và anh ta đề cập đến tất cả những đức tính tốt mà anh ta được tiếp nhận từ mẹ. Một tuần sau, vợ anh từ Mỹ gọi điện thoại và báo cho anh biết rằng: " Mẹ anh rất hạnh phúc khi đọc bức thư của anh. Mẹ nói là mẹ đã khám phá ra rằng mẹ có một người con rất tuyệt vời. Và mẹ nói là nếu bà ngoại còn sống mẹ sẽ viết cho bà ngoại một lá thư như thế".
Sau khi nói chuyện với vợ, người thanh niên này viết cho mẹ anh một lá thư khác: " Mẹ ơi, nếu mẹ nhìn sâu, mẹ sẽ thấy rằng bà ngoại vẫn còn sống trong mẹ, trong mỗi tế bào cơ thể mẹ. Và con tin chắc rằng nếu mẹ ngồi xuống viết thư cho bà ngoại thì bà ngoại sẽ đọc được lá thư ấy. Không quá trễ đâu mẹ". Tình mẹ con được tái lập một cách đẹp đẽ mà không cần nhiều thời gian.
Theo hiệp ước sống chung an lạc, nếu ta không có khả năng chuyển hóa cơn giận sau khi thực tập ôm ấp và nhìn sâu vào nó, chúng ta phải cho người kia biết trước 24 giờ, chúng ta phải nói với người ấy tình trạng của ta. Thật không lành mạnh nếu ta giữ nó trong lòng. Ta hãy tới với người kia và nói là ta đang giận, ta đang khổ đau. Nếu ta cảm thấy ta chưa bình tĩnh, ta có thể viết xuống giấy. Theo hiệp ước sống chung an lạc, chúng ta phải gởi mẩu giấy nhắn tin này trước khi hết hạn. ( Xem mẫu giấy nhắn tin trang 223)
Trích từ sách Thiền sư và em bé 5 tuổi của Thầy Thích Nhất Hạnh
# Sách thiền sư và em bé 5 tuổi, #sách chữa lành, # Chữa lành em bé bên trong, # healing, # Chữa lành tổn thương, # Chữa lành trầm cảm, # Sách Thích Nhất Hạnh, # Tổn thương cần chữa lành, # Chữa lành tâm hồn