1) HỌC CÁCH KIỂM SOÁT CẢM XÚC

Sống với nhau hàng tuần hàng tháng hàng năm thì bạn phải sống vơi tất cả con người tự nhiên của mình, thì bản năng nó sẽ trèo ra, những con quái thú đó sẽ trèo ra, thành ra rằng bạn đừng tưởng bạn thương yêu ai là bạn không làm tổn thương người đó đâu nhé.

Dù đó là người bạn thương yêu nhất trên đời, dầu rằng người đó bạn tin rằng người đó là sự sống của bạn.

Nhưng bạn vẫn là người không thể kiểm soát được bản thân mình. Cho nên nói một cách khác khi bạn học cách kiểm soát bản thân mình, khi bạn tiết chế quản lý được những rác rến, những năng lượng tiêu cực ở trong lòng của bạn, khi bạn lúc nào cũng giữ được nụ cười thư giãn, bình an, yêu thương, mà bạn thương ai thì người đó chắc chắn là hạnh phúc vô cùng.

 

2) CHÚNG TA CÓ KHẢ NĂNG TỰ CHỮA LÀNH

Khi con Hổ liếm vết thương, thì nó mang toàn bộ nguồn năng lượng an lành của toàn bộ cơ thể nó, của tâm hôn nó đến chăm sóc vào vết thương, cho nên vết thương được chữa lành rất nhanh.

Chúng ta cũng có thể làm được như thế cơ mà? Tại sao chúng ta làm kém hơn một con Hổ? Khi chúng ta bị thương, khi chúng ta đau khổ, tại sao chúng ta không dừng lại để quay về tự chăm sóc chính mình?

Vì chúng ta từ rất lâu rồi đã đánh mất niềm tin vào chính mình, đó là chúng ta hoàn toàn có khả năng tự chữa lành, và chức năng tự chữa lành vẫn còn đó nếu chúng ta chịu khó quay về, đánh thức, khơi dậy.

Và từ rất lâu rồi chúng ta đã quen với sự hỗ trợ từ bên ngoài, thuốc men, sự quan tâm, tình yêu thương.

 

3) TUY CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU KIỆN CỦA HẠNH PHÚC NHƯNG KHÔNG CẢM NHẬN ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Cho dù chúng ta có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc nhưng mà tâm chúng ta có vấn đề căng thẳng đầy dẫy nỗi muộn phiền, thương tổn, bị những con quái thú của trầm cảm của rối loạn lo âu và những hội chứng tâm lý khác khống chế, thì chúng ta sẽ không cảm nhận được hạnh phúc gì cả,

Tôi vẫn thường hay nói một trong những hội chứng tâm lý của thời đại bây giờ đôi khi nó vượt qua hẳn trầm cảm hay rối loạn lo âu đó là hội chứng của những người tuy có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc nhưng không cảm nhận được hạnh phúc.

 

4) HÃY QUAY VỀ KHƠI LẠI CHỦ QUYỀN TRONG CUỘC ĐỜI CỦA CHÍNH MÌNH.

Chúng ta nên học cách yêu thương bản thân đi. Tại vì khi mình thương yêu bản thân á, thì thứ nhất là mình sẽ bớt lệ thuộc vào người khác.

Thay vì chúng ta có ảo tưởng rằng người khác sẽ làm cho mình hoàn toàn có hạnh phúc, thì bây giờ mình có thể thiết lập lại một nhận thức rằng người kia chỉ có đóng góp một phần hạnh phúc cuộc đời mình thôi. Còn hạnh phúc của mình thì mình phải tự tạo ra.

 Có thể nói con đường tu luyện của Phật Giáo chính là con đường để chúng ta quay về khơi lại chủ quyền trong cuộc đời của mình, chúng ta quay về nương tựa nơi chính mình, chúng ta tìm thấy sức mạnh và niềm tin trong chính mình.

 

5) NĂNG LỰC CHÁNH NIỆM LOẠI BỎ PHIỀN NÃO

Khi có phiền não mình cần có một năng lượng chánh niệm trở về đủ mạnh để đối ứng, thì bằng cách nào đó mình phải phát triển năng lượng chánh niệm trở lại.

Mà nếu lúc đó năng lực chánh niệm đang có sẵn thì xông pha luôn đi vào trong hang quỷ luôn, để xem cơn sân đó là gì, sự đố kỵ đó là gì, sự phán xét đó là gì, nỗi sợ hãi đó là gì?

Các bạn biết không vô cùng thú vị giống như là xem phim kinh dị, xem phim hành động, để rồi một ngày đẹp trời nào đó chúng ta rơi nước mắt vì chúng ta thấy được bản chất thật của phiền não là vô thường là vô ngã. Phiền não không có thật, không có cái gì là phiền não cả như trong Bát Nhã Tâm Kinh: 'Vô vô minh diệt, vô vô minh tận,' không có vô minh đâu mà diệt.

 

6) SAI LẦM KHI ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO

Đoạn trừ phiền não thì trùng tăng bệnh,  thú hướng chân như tổng thị tà, phiền não mà đi đoạn trừ thì bệnh sẽ chồng thêm bệnh, thì phiền não sẽ tăng thêm, vì mình lấy cái gì mình đoạn trừ, mình lấy bản ngã mình ra đoạn trừ, có phải không?

Mình lấy tâm sân ra để đoạn trừ, khi mình thấy một cái gì đó mình không có hài lòng, trái ý lại là mình sẽ phản ứng lại, rồi mình nhìn vào cái tâm phản ứng của mình mình không hài lòng với cái tâm phản ứng của mình.

Mình nghĩ mình là người thánh thiện,  mình là người dễ thương, mình là một thiền sinh thì làm sao mà mình có cái tâm này, cho nên là mình phải giải quyết cái tâm này, bằng cách này hay cách khác, mình muốn loại trừ cái tâm phản ứng này, thì như vậy sân lại chồng thêm sân.

 

7) HỌC CÁCH ĐỐI CẢNH VÔ TÂM

Đối cảnh vô tâm là khi mình tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, mọi nghịch cảnh, nghịch duyên, mà mình vẫn có thể vô tâm, mà vô tâm có nghĩa là gì?

Vô tâm có nghĩa là đối với những cảnh hấp dẫn thì mình không sinh tâm tham, đối với cảnh nghịch cảnh thì mình không sinh tâm sân, không tham và không sân, không có sự nhiễm ô ở trong tâm, vẫn giữ được sư thuần khiết ở trong tâm thì gọi là vô tâm.

 Đây là điều mà chúng ta có thể đạt được nếu như chúng ta bắt đầu thực tập rất tốt, rất nghiêm túc từ những bài thiền tập cơ bản.

 

8) THÍCH HAY KHÔNG THÍCH CŨNG MANG TỈNH THỨC CHÁNH NIỆM  ĐỒNG HÀNH THEO

Trước giờ chủ trương là cái gì thích thì nhào tới, và mân mê tung hê rồi chiếm lấy. Thì đó là nguyên nhân của khổ đau.

Nếu mình quản chế được nó, bớt lại những cái thích không cần thiết và kể cả những cái thích cần thiết, thì mình cũng phải cho tỉnh thức đồng hành theo, cho chánh niệm đồng hành theo cái mình thích nữa thì mới an toàn.

Với những cái mình không thích mình chống trả lại. Thì bây giờ mình rọi ánh sáng chánh niệm vào để mình biết rằng mình nên buông bỏ bớt những cái không thích dư thừa. Nó chỉ đến từ nỗi sợ hãi của mình thôi, đến từ nỗi lo lắng của mình thôi, đến từ thói quen kỳ thị của mình thôi chứ không có gì nguy hiểm cả.

 Để rồi mình có sự chấp nhận nhiều hơn không phản ứng nữa.

 

9) NHẬN BIẾT MÌNH ĐANG CÓ TÂM SÂN

Tâm sân không chỉ gói gọn trong ý nghĩa là mình nổi sân lên, mình nổi giận lên, nổi đoá lên, mình gầm rú hay là mình đỏ mặt phừng phừng, nghiến răng trèo trẹo thì mới gọi là sân.

Mà sân nó bao gồm luôn phản ứng chống trả lại điều gì trái với ý của mình. Hơi khó chịu một chút, hơi không thoải mái một chút, hơi căng thẳng một chút có thể có chứa tâm sân ở trong đó.

Hãy tập nhìn kỹ xem. Thí dụ như là khi mình lấy thức ăn mà người đó lấy lâu quá, không biết ăn gì mà nhiều dữ vậy. Đi tu mà sao ăn nhiều vậy? Có cái càm ràm ở bên trong và hơi khó chịu, thấy người đó đứng chỗ đó lâu quá. Thì đó là sân đó.

 

10) CHÁNH NIỆM DIỆT TRỪ THAM SÂN SI

Chữ chánh tinh tấn dùng để đối trị với chữ tinh tấn thôi, vì có những vị tu tập quyết liệt để mong đạt cái gì đó.

Thì cái người quyết liệt đó chắc chắn có nuôi một cái tâm tham. Mà tu tập thì đâu phải lúc nào cũng như ý mình muốn. Có những lúc không đạt được, thì sẽ trở nên sân.

Vậy thì, mình tu mà mình nuôi tham với sân thì chết chắc rồi. Thà không tu thì đỡ ít tham và ít sân hơn. Tu mà nhiều tham nhiều sân thì lạc đường lạc lối rồi.

Tại vì mình tu là để diệt từ tham sân mà. Nhưng như đã nói, mình không có diệt trừ phiền não. Hãy để chuyện ấy cho chánh niệm làm. Còn công việc của thiền sinh là tạo ra chánh niệm và duy trì chánh niệm.

 

11) HÃY GIỮ CHỦ QUYỀN LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH.

Con người chúng ta rất kỳ lạ. Khi ai đó cho mình chỗ tựa, khi mình có một cái gì đó để nắm bắt, là mình quên mất bản thân mình. Mình đặt hoàn toàn niềm tin, hy vọng vào đối tượng mà mình nương tựa, và mình gọi đó là yêu hết mình, cháy hết mình, thương hết lòng, hết dạ.

Giờ quý vị nghe ai tuyên bố câu đó là quý vị xanh mặt nha. Rồi nó bỏ cuộc đời của nó, nó giao cho mình rồi đó, chứ đừng có mừng. Đó là kẻ yếu lòng, đó là kẻ không biết giữ chủ quyền. Yêu một kẻ như thế là không có kết quả gì đâu, vì hắn không quản lý nổi cuộc đời của hắn. Cho nên khi mình bước vào, hắn giao cuộc đời của hắn cho mình luôn. Có gì hay ho đâu? Nhìn kỹ đi, cuộc đời hắn kinh khủng lắm, đầy vết bầm, đầy vết sẹo, tan hoang. Nhìn hào nhoáng bên ngoài như thế, nhưng bên trong là khủng khiếp lắm.

 

12) KHI TÂM TA THAY ĐỔI CHÚNG TA SẼ NHÌN MỌI THỨ XUNG QUANH BẰNG CON MẮT KHÁC

Đức Phật nói: "Nếu mà loại trừ được, thì cứ loại trừ; né được, thì cứ né”. Nhưng nếu không loại trừ được, không né được, thì hãy quay về nương tựa vào chính mình, tin vào sức mạnh ở bên trong chính mình. Tin rằng khi tâm ta thay đổi từ một cái tâm bất an trở thành một cái tâm an, từ một cái tâm mệt mỏi trở thành một cái tâm tươi tỉnh, từ một cái tâm bị nhiều vết thương trở thành một cái tâm được chữa lành, thì chúng ta sẽ nhìn mọi thứ xung quanh chúng ta bằng một con mắt khác.

"Nhất thiết duy tâm tạo" – tâm chúng ta như thế nào, thì chúng ta sẽ nhìn thực tại như thế ấy.

 

13) KHỔ HAY KHÔNG LÀ DO CÁI THẤY CỦA MỖI NGƯỜI

Ta đã từng là người gây quá nhiều khổ lụy cho người khác, nhưng vẫn nhớ rằng Đức Phật vẫn còn ở bên trong, từ bi trí tuệ vẫn còn ở bên trong. Nếu chúng ta chịu khó chuyên cần quay về để gội rửa liên tục, thì chắc chắn sẽ có cơ hội tiếp xúc được với con người chân thật của mình. Và khi quý vị tiếp xúc được con người đó, thì đó là ngày quý vị đạt được sự giải thoát đích thực, đó là ngày quý vị tìm đến bến bờ bình yên đích thực, đó là ngày quý vị thoát khỏi khổ đau đích thực.

Nếu quý vị vẫn không tin vào điều đó, vẫn không chịu quay vào để gội rửa tâm hồn của mình, vẫn cứ đòi hỏi, vẫn cứ trách móc, vẫn cứ rượt đuổi theo đối tượng, thì khổ đau có thể là một sự thật vĩnh viễn trong cuộc đời này. Cái câu than thở "đời là bể khổ" có thể trở thành sự thật. Và nhớ rằng đời không phải là bể khổ; khổ hay không là do cái thấy của mỗi người.

 

Trích từ pháp thoại của sư Minh Niệm