1) KẾT NỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU

Khi mà mình có bình an, có hạnh phúc, có nhiều chất lượng trong đời sống rồi,
thì tự động — một cách vô hình — nó sẽ thiết lập một sợi dây kết nối với những người thân yêu của mình.

Dĩ nhiên, khi mà mình ở gần bên nhau mà mình cũng làm được như thế thì rất là tuyệt.
Nhưng thói đời thường không như thế.

Thường, khi ở gần bên nhau thì hay kiếm chuyện để không nhìn vào mặt nhau.
Rồi khi xa nhau, thì người ta mới nhớ về nhau.

Cho nên, chẳng đặng đừng, buộc phải xa nhau thôi.
Nhưng mà, khi xa nhau rồi, thì mình vẫn có cách để kết nối sợi dây gần với nhau.

Bây giờ, chúng ta đang gần với nhau.

 

2) NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM GÌ?

Người trí là chỉ nên gặp những người nào cần gặp,
chỉ làm những gì nên làm.

Vậy thì, khi mình là một người tỉnh, một người trí,
thì mình biết: bây giờ mình nên làm gì và không nên làm gì?

Có thể là, trong cái khung giờ này — buổi sáng hôm nay —
mình đừng nhấc điện thoại,
đừng lên mạng,
đừng đôi co với ai hết,
đừng suy nghĩ đến cái việc đau lòng đó nữa.

Mà nên làm đó là:
ngồi yên xuống,
thư giãn,
mỉm cười,
thở những hơi thở tự nhiên,
lắng nghe âm thanh xung quanh.

Trong sự im lặng đó,
ta có thể kết nối sâu với thực tại
qua khả năng lắng nghe vốn có trong mỗi người.

 

3) CUỘC ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG

Trải qua những kinh nghiệm thương đau đó,
ít nhiều trong chúng ta cũng đã tỉnh ngộ ra rằng:
mọi thứ trên cuộc đời này đều là vô thường.
Tất cả rồi cũng sẽ tàn phai.

Quyền lực, địa vị, danh vọng, sắc dục, tiền bạc —
ngay cả khi mình còn sống trên cuộc đời này,
nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trong những cơn nguy biến,
trong những lúc mình thoi thóp trên giường bệnh,
trong những lúc mình ở trong khu cách ly —
lúc đó, mình chỉ cầu nguyện cho mình vượt qua,
mình sống sót.

Hệ miễn dịch của cơ thể được tăng trưởng,
được đảm bảo để không lây nhiễm dịch bệnh.
Mà nếu có lây nhiễm,
thì mau mau vượt qua.

 

4) HỌC CÁCH SỐNG NHƯ THẦY MINH NIỆM

Một trong những cái cách sống của tôi
đó là — các vị nghiên cứu coi bắt chước được bao nhiêu thì bắt chước nghe.
Chứ đừng có bắt chước toàn tập rồi đổi thừa tôi!

Đó là khi tôi đã cố gắng giải quyết hết lòng rồi mà không xong đó,
thì tôi đi uống trà, tôi đi chơi.
Đi chơi ở đây có nghĩa là trèo non lội suối,
chứ không phải là đi chơi ngoài đường.

Tôi gác lại, tôi nói:

“Thôi, cái này để cho trời đất lo đi.
Mệt quá, lo nhiều quá.
Mình lo hết rồi, trời đất lấy gì lo?”

Tại vì mình đang làm chuyện chung mà —
làm lợi ích cho mọi người thì trời đất cũng phải phụ chứ.
Bắt làm một mình chịu sao nổi?

Cho nên tôi làm một đoạn,
còn đoạn còn lại tôi giao cho điều kiện, nhân duyên, trời đất.

Có thể cử ai đó tới phụ,
có thể đưa ra một điều kiện thuận lợi nào đó để dễ dàng giải quyết.

Và tôi luôn tin vào điều đó.

 

5) VẠN SỰ TUỲ DUYÊN

Khi mà nhìn những cái thất bại, những cái chia lìa, những cái đổ vỡ của mình, những cái không thành á, mình rất là đau lòng, và mình chìm vào nỗi khổ, niềm đau. Thậm chí là mình có thể bị trầm cảm vì những biến cố đó.

Nhưng có thể là mình bận rộn quá, không có tìm hết những cái sự vận hành của đất trời để biết rằng là có rồi trở về không, nhưng mà không thì nó lại trở về có.

Cái nguyên tắc sống là phải học tuỳ duyên, phải nắm những cái nhân duyên nào nó đang có để biến nó trở thành những giá trị màu nhiệm. Còn những nhân duyên nào đã đi qua rồi thì hãy để cho nó đi qua đi — nó đi qua để rồi nó tạo sinh ra một cái giá trị mới, bền vững hơn, tốt đẹp hơn.

Cho nên là đừng buồn, nhìn xơ xác. Đời cần chút đổi thay. Đổi thay này, nó làm cho chúng ta tỉnh ngộ!

 

6) VẠN PHÁP DUY TÂM TẠO

Đức Phật nói, tâm chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới bên ngoài, hoàn cảnh thực tại như thế ấy. Vạn pháp duy tâm tạo.

Nếu tâm định tĩnh, tâm bình an thì nhìn thấy mọi khó khăn là chuyện bình thường, chuyện nhỏ.
Còn nếu tâm lao xao, chộn rộn, cạn kiệt năng lượng thì thấy những cái việc rất nhỏ cũng là việc rất lớn.

Với tâm định tĩnh, tâm bình an thì chuyện lớn có thể hoá nhỏ, mà chuyện nhỏ có thể hoá không.
Nhưng với cái tâm thiếu định tĩnh, thiếu bình an, thiếu tỉnh thức thì chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn, chuyện vừa vừa biến thành chuyện vĩ đại.

Theo đó, Đức Phật cho rằng:
Mọi khổ đau trong cuộc đời phần lớn là do tâm thêu dệt lên, tâm tưởng tượng lên, tâm làm cho nó phiền hà, rắc rối, khuếch đại lên.

 

7) NGỒI MÀ KHÔNG SUY NGHĨ

Quý vị biết là, có khi mình ngồi thiền mà mình có thể rơi nước mắt, tại vì mình thấy thương mình quá đi.
Mình thấy mình có cái nhu cầu này nè — nhu cầu được ngồi yên, được không làm gì cả. Nhu cầu được tĩnh tâm, nhu cầu không cần phải suy nghĩ tới những cái vấn đề nhức đầu chưa giải quyết được.

Nhưng mà từ lâu rồi mình làm không có được. Hoặc là làm chút chút thôi, không có quyết liệt để mang tới một cái kết quả thật sự.

Mà bây giờ, mình có thể đạt được một cái trạng thái rất là quý giá mà nhiều người không thể đạt được — đó là không suy nghĩ, không suy tư, không kết nối với quá khứ, không kết nối với tương lai.

Chỉ cắm rễ sâu sắc vào trong giây phút của hiện tại để biết — biết rất rõ, rất tinh tường, rất cụ thể.

 

8) HỌC CÁCH CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH

Bạn phải biết rằng, trong bạn có cả ánh sáng — nhưng mà nó cũng có bóng tối.
Nó có thánh — nhưng mà nó cũng có phàm.
Nó có hoa — nhưng mà nó cũng có rác.

Vậy thì, đáng lẽ ra bạn phải học cách chấp nhận tất cả những gì có trong bạn.
Thì đằng này, bạn chỉ muốn có hoa thôi, mà không chấp nhận rác.

Nhưng mà bạn không có bất cứ một cái nghệ thuật nào để bạn chỉ sử dụng được hoa.
Bạn cứ thả trôi cuộc đời của bạn, bạn ngồi đó mong cầu là đừng bao giờ có rác.

Cho nên khi rác xuất hiện, đáng lẽ ra bạn phải tìm ra cái nguyên nhân nào đã khiến cho rác nó lấn át đi hoa,
thì bạn lại trừng phạt rác, trừng phạt chính bạn.

Đó là một thái độ sai lầm, không cần thiết.

Vậy thì, trên cái tiến trình trị liệu hay là chuyển hoá phiền não,
điều cơ bản đầu tiên bạn phải học và luyện tập cho bằng được,
đó là:
Chấp nhận chính mình.

 

9) CHÚNG TA ĐANG CÓ VẤN ĐỀ?

Khi mà chúng ta ăn không thấy ngon, ngủ không yênbước đi không có sự thảnh thơi, ung dung, tự tại,
chúng ta không thể nở nụ cười thường xuyên được,
chúng ta không thể bàn sâu sắc những điều cốt lõi trong cuộc sống với những người thân quen,
chúng ta không thể phát tiết ra được những cái giá trị tuyệt vời bên trong của chúng ta —
nghĩa là chúng ta đang có vấn đề.

Hoặc là lúc nào cũng căng thẳng,
lúc nào cũng quạo quọ,
lúc nào cũng khó chịu.
Trách móc, than phiền, buộc tội, lên án, phản ứng rất là nhanh nhạy
đụng có chút là nhảy dựng lên rồi.

Nghĩa là:
Mình đang bị phiền não chiếm cứ toàn phần!

 

10) THIẾU SỨC KIÊN TRÌ VÀ CHỊU ĐỰNG

Một trong những cái thiếu thốn nhất của các bạn đó là thiếu sức kiên trì và chịu đựng.
Tại vì sao?

Tại vì cái giai đoạn lớn lên của các bạn nó không phải là giai đoạn như những thập niên trước
giai đoạn mà cha mẹ của các bạn á, sống rất là cơ cực, không có sự chọn lựa, phải chịu thôi.
Chỉ có vài bộ đồ, ăn cơm nhiều khi phải ăn độn, và học hành cũng vậy.

Đèn dầu leo lét, tới thế hệ tôi mà vẫn còn.
Thế hệ tôi gọi là thế hệ cuốn chiếu đó — sắp bước qua giai đoạn kinh tế phát triển,
nhưng mà cũng còn may là còn rớt lại trong cái giai đoạn cơ hàn,
cho nên mới rèn luyện được cái chí khí của mình.

Tại vì mình cực quá, cho nên mình phải vươn lên để thoát khỏi cái cơ cực đó.
Còn nếu mình sung túc, ấm êm hết rồi thì thoát đi đâu nữa?
Mình nghĩ đâu có còn cái gì để phải mà nỗ lực nữa.

Thì tôi không có ý đánh đồng hết tất cả những bạn có điều kiện thuận lợi,
nhưng mà thực tế cho thấy là:
Những bạn lớn lên trong điều kiện khó khăn thì cái sức chịu đựng nó lớn hơn
so với những bạn sống trong điều kiện thuận lợi.

 

11) THUỐC CHỮA LÀNH MỌI KHỔ ĐAU

Chúng ta bắt đầu có niềm tin, tin là thuốc chữa lành mọi khổ đau là ở trong chính chúng ta. Dù chúng ta có đổi hoàn cảnh, dù chúng ta có biết bao nhiêu sự giúp đỡ ở bên ngoài, cũng không thể nào là liều thuốc tốt nhất để chữa lành những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn.

Chỉ cần chúng ta ngồi yên xuống được, thở được, mỉm cười được, ăn uống ngủ được, nói năng chia sẻ, làm bất cứ việc gì — dầu rằng là những sinh hoạt cơ bản hằng ngày — mà có thể an trú, có thể cảm nhận, có thể thưởng thức, tạm thời quên những nỗi khổ niềm đau kia, thì những nỗi khổ niềm đau dù lớn lao, dù cùng cực cỡ nào rồi cũng sẽ suy yếu và tan biến đi.

 

  • 12) HƯỚNG CỦA SỰ THẬT CỦA CHÂN LÝ

Suốt thời gian Đức Phật thuyết pháp, ngài cố gắng nói cho chúng ta biết rằng chúng ta là một hợp thể vô ngã, chúng ta không có một cái ngã riêng biệt đâu.

Dĩ nhiên là Đức Phật cũng đã cố gắng hiến tặng cho chúng ta rất nhiều phương pháp thực tập để chúng ta thấy được điều đó, chứ không phải là tự nhiên mà có thể thấy được hay là cố gắng thấy là có thể thấy được. Nhưng mà Đức Phật muốn chúng ta mỗi ngày đi về cái hướng đó — hướng của vô ngã, hướng của sự thật, của chân lý — một cá thể đang vận hành cùng với vô số cá thể khác trong trời đất, trong vũ trụ.

Đức Phật muốn chúng ta thấy được cái sự liên kết thành lập như thế nào để chúng ta đặt mình đúng vị trí, chúng ta hiểu được tính tương tác, tương tức, để rồi chúng ta có trách nhiệm, bổn phận với nhau!

 

  • 13) HỌC CÁCH QUẢN LÝ CẢM XÚC

Có những người sử dụng tình yêu như là một sự hỗ trợ cần thiết. Có nhiều người sống hay hơn, sống đẹp hơn, sống có chất lượng hơn là nhờ liên hệ tình cảm tốt đẹp giữa mình với người đó. Nhưng mà số lượng người như vậy rất là ít đó các bạn.

Còn đa phần lao vào tình yêu là khốn đốn, là trăm cay nghìn đắng, là vắt kiệt năng lượng của mình. Cho nên Đức Phật nói: ngay cả những cái cảm xúc dễ chịu đó, mình cũng phải học cách quản lý, học cách chăm sóc nó, chứ không nên đánh giá thấp nó. Mặc dầu nó mang lại những cái lợi ích rất là thiết thực, nhưng mà nó vẫn đánh gục mình như thường.

Và ở cái giai đoạn mà các bạn cần phải lo học hành cho nghiêm túc, cho có kết quả, cho có chất lượng — ở một giai đoạn mà bạn phải bỏ ra rất nhiều năng lượng để giải quyết nhiều vấn đề — và các bạn phải tập trung để làm việc.

 

  • 14) HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU

Hạnh phúc là điều tuyệt vời, nhưng mà khổ đau không thể thiếu trong đời sống, có những lúc chúng ta có rất nhiều việc để làm, nhiều việc giá trị, nhiều việc mình ưa thích, nhưng mà có những lúc chúng ta không cần phải làm gì cả.

 

  • 15) CƠN GIẬN CHỈ LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG

Cơn giận chỉ là một hiện tượng thôi, cơn giận không có thật. Tại vì lúc chúng ta vui thì cơn giận có thật thì nó ở đâu? Lúc chúng ta bình an, lúc chúng ta hạnh phúc, nếu cơn giận có thật thì nó nằm ở chỗ nào? Nó chui vào bao tử à? Nó nấp ở đâu đó sau lưng chúng ta à? Không có, nó không có thật!

Và nỗi sợ hãi — nỗi sợ nó ở đâu trong lúc chúng ta đang ngồi thiền? Trong lúc chúng ta đang định tâm? Trong lúc chúng ta có rất nhiều hỷ lạc, trong những cái bước chân thiền hành của mình? Không hề có.

Và mình nhìn một cái người đang bị trầm cảm hay là đang bị rối loạn lo âu: những phút giây trước họ giống như là một con quái thú — nanh vuốt, gầm gừ, oán trách, đổ thừa, lên án, buộc tội — mà 5 phút sau thấy họ tươi như hoa, nói cười rôm rả.

 

----

Trích từ pháp thoại của sư Minh Niệm

Hãy cùng Daykemtainha.vn chia sẻ những điều tốt đẹp đến với nhiều người để cuộc sống này tốt đẹp hơn.

#chữa lành, # sư Minh Niệm, # Chánh niệm, # chữa lành tâm hồn, # self-healing, # Thư giãn tinh thần, # Chữa lành inner child