1) Nhận biết phiền não và chuyển hóa:
Phải giữ một tâm tĩnh lặng và thường xuyên quay lại quan sát chính mình thì mới biết được mình có đang phiền não hay không. Cách đơn giản nhất để nhận biết điều đó là tự hỏi: Mình có đang vui vẻ, thoải mái không? Tâm mình có an không?
Khi có phiền não, cơ thể trở nên căng thẳng, khó chịu, bất an. Ta không còn hoan hỉ, cũng không dễ dàng chấp nhận bất cứ điều gì.
Bước thứ hai là học cách chấp nhận mọi thứ diễn ra theo lẽ tự nhiên. Chúng ta đã quen sống theo cách kiểm soát mọi thứ theo ý mình, nhưng trên con đường tu luyện, ta cần học một lối đi mới—biết cách lùi lại, quan sát, và để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.
2) Trong guồng quay hối hả của đời sống cùng những biến động không ngừng của ngoại cảnh, chúng ta dường như lạc mất sợi dây kết nối với chính mình và những giá trị chân thật thẳm sâu trong tâm hồn.
Thậm chí, khi đã có ý thức muốn kết nối lại với cội nguồn linh thiêng bên trong, không ít người trong chúng ta lại loay hoay, mất phương hướng, không biết đâu mới là “tấm bản đồ đúng” sẽ chỉ dẫn ta tìm về bên trong chính mình
3) Dĩ nhiên, suy nghĩ là cần thiết, nhưng hầu hết những suy nghĩ của chúng ta là dư thừa. Sự dư thừa đó lấy đi rất nhiều năng lượng, và càng suy nghĩ nhiều, tâm trí càng rối bời, thậm chí chìm sâu vào trạng thái hôn mê.
Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện thói quen ít suy nghĩ. Chỉ suy nghĩ khi thực sự cần thiết, và khi đã suy nghĩ thì phải nghĩ cho tới nơi tới chốn, nghĩ những điều cần thiết, nghĩ những điều thực sự quan trọng.
4) Ngọn núi xanh vốn không già, nhưng khi tuyết phủ, ta lầm tưởng rằng ngọn núi đã già. Thực ra, khi mùa xuân về, tuyết tan, màu xanh sẽ trở lại. Vậy thì, tuyết trắng hay mặt hồ nhăn nheo chỉ là hiện tượng nhất thời. Bản chất của mặt hồ là trong, của ngọn núi là xanh.
Vậy bạn tiếp xúc với hiện tượng hay bản chất? Nếu bạn chỉ nhìn vào hiện tượng, bạn sẽ dễ mắc sai lầm—bạn sẽ đánh đồng toàn bộ con người đó với những gì họ thể hiện nhất thời. Nhưng thực tế, hiện tượng ấy chỉ là một phần trong con người họ, nó đến rồi đi, tồn tại trong một giai đoạn nào đó và sẽ không còn nữa. Nếu bạn vội vàng quy chụp đó là toàn bộ con người họ, bạn sẽ rơi vào cái gọi là tri giác sai lầm.
Như Đức Phật đã dạy: "Không có con người xấu xa, chỉ có hành động xấu xa." Mà hành động suy cho cùng cũng chỉ là nhất thời.
5) Bạn cũng cần có một thái độ đúng khi hành thiền. Ví dụ, khi bạn ngồi thiền nhưng tâm trí không yên, cứ nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, bạn có thể nghĩ: “Hôm nay mình không thể ngồi thiền được, vậy thì không nên ngồi thiền”. Đây là một thái độ sai lầm.
Thái độ đúng là bạn cứ ngồi, dù trong suốt 30 phút đó tâm trí vẫn suy nghĩ miên man. Điều quan trọng là bạn duy trì thói quen ngồi xuống đều đặn. Mọi giá trị khác trong thiền định đều bắt đầu từ điều này trước—từ sự kiên nhẫn với chính mình.
Vì thiền là một việc khó, việc không suy nghĩ lại càng khó hơn. Đâu có ai dễ dàng không suy nghĩ ngay lập tức! bạn không dễ dàng đạt được, bạn phải cực kỳ kiên nhẫn và thông minh.
6) Sống trong cuộc đời này vốn nó có rất nhiều điều bất như ý, nó đan xen vào những điều như ý, cuộc đời có những người dễ chịu cũng có những người khó chịu và chính một con người dễ chịu đó nhưng mà có khi họ cũng đánh rơi phong độ họ cũng trở lên khó chịu, họ cũng có những vấn đề có những cái rắc rối
và bản chất công việc và đời sống cũng vậy nó cũng có những rắc rối, nó cũng có những trái duyên nghịch cảnh mà nếu chúng ta không có sẵn một cái sức chịu đựng thì chúng ta sẽ bị dội lại, chúng ta sẽ bị chùng bước có thể chúng ta sẽ chán nản và bỏ cuộc.
và như vậy thì chúng ta sẽ khó để gắn kết một cái liên hệ nào lâu bền vì trong bản chất mỗi đối tượng chúng ta nên nhớ rằng có thể thay đổi bất cứ lúc nào, họ có thể tử tế đó và họ có thể đánh mất sự tử tế bất cứ lúc nào.
7) Chánh niệm chính là người thầy nhắc nhở mình mỗi ngày:
- Mình đang làm gì?
- Mình đang làm điều đó với thái độ ra sao?
- Trong lòng mình có điều gì không? Có giận dữ, buồn bã, hay sự phân biệt đối xử không?
Ngay khi nhận ra, hãy quay về quan sát và chuyển hóa năng lượng ấy.
Trích từ pháp thoại của thầy Minh Niệm