1) LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH
Chúng ta chỉ có thể làm chủ con cái trong một giai đoạn nhất định. Đến khi con bước vào tuổi dậy thì, khoảng 12-13 tuổi, chúng sẽ không còn nghe lời mình như trước nữa. Đức Phật dạy rằng, việc muốn khống chế người khác hay làm chủ hoàn cảnh không mang lại hạnh phúc, mà thậm chí còn dẫn tới khổ đau.
Trong khi, nếu chúng ta làm chủ được tâm ý của mình, chỉ để tâm ý sản sinh ra những năng lượng tích cực, nghĩ về những điều thiện thôi, thì chúng ta sẽ có bình an và hạnh phúc. Vì vậy, việc tu luyện chính là luyện tập tâm mình, mà ở mức cơ bản, điều đó có nghĩa là làm sao để tâm không bị lạc lối trong suy nghĩ, đừng có phóng giật, nghĩ tới quá khứ hay là nghĩ tới tương lai.
2) LÀM CHỦ TÂM Ý
Tu tâm ở đây trước hết là phải kiểm soát được tâm của mình, làm chủ được tâm ý của mình, mình muốn nó ở đây thì nó phải ở đây, thậm chí là mình muốn nó được trong trẻo không có phiền não thì nó cũng phải được như vậy.
Mình muốn không giận là mình không giận, mình muốn buông xả là nó buông xả.
Tại sao mình chỉ muốn điều khiển người khác theo ý của mình, tại sao mình muốn hoàn cảnh xảy ra theo đúng ý của mình, mà mình lại không làm đúng ý của mình, mà mình không có làm chủ được chính mình.
Khi mình không làm chủ được chính mình thì làm sao có thể làm chủ được người khác. Vậy nên suy nghĩ rằng mình phải làm chủ người này người kia đó là một ý niệm sai lầm.
3) TU TÂM
Có những lúc tâm chúng ta không có sự tham sự của phiền não. Tâm rất là trong trẻo.
Nhưng mà thường khi những suy nghĩ và lời nói và hành động của chúng ta đều có sự điều khiển, giựt dây của phiền não tham sân si.
Cho nên tu luyện của đạo Phật tức là tu tâm. Mình tu cái gì thì tu, mà phải tu tâm. 'Tu tâm dưỡng tánh' là ông bà mình hay nói như vậy, rất là ngắn gọn, xúc tích, nhưng mà đó là cốt tuỷ của sự tu tập.
Quý vị đừng có dễ bị phân tâm như vậy, cái tâm mình nó lại phóng đi nơi khác nữa rồi, và đây chính là nguyên nhân đưa tới khổ đau, dễ dãi để tâm nó phóng đi đâu thì nó phóng, nó nghĩ cái gì thì mình chó nó nghĩ. Nó nghĩ tới đâu thì mình sẽ hành động tới đó.
4) NGỒI NHÌN LẠI MÌNH ĐỀ SỬA CHỮA SAI LẦM
Có những thứ đáng đầu tư mà chưa đầu tư, có những thứ không đáng đầu tư nó chỉ là một sự háo thắng nhất thời mà lại đầu tư rất là nhiều.
Đức Phật thường động viên khuyến khích chúng ta có bốn điều cần phải siêng năng tu tập để thay đổi phẩm chất của đời sống, để mỗi ngày mình đi sát gần tới giá trị của sự tự do giải thoát của bình an hạnh phúc đích thực.
Đó là mình ngồi nhìn lại mình.
Để mình thấy rằng có những chất liệu có những năng lượng tiêu cực nào? Có những thói quen không dễ thương nào? Nó đang hình thành, nó đang tồn tại, nó đang khống chế trong con người chúng ta, thì chúng ta phải khoanh vùng nó.
5) GIẢI PHÁP KHI TA CÓ QUÁ NHIỀU PHIỀN NÃO
Nếu như mình đang không thể làm chủ được phiền não của mình, trong một giai đoạn rất là dài Mình bị phiền não mình khống chế và quật ngã tơi bời, gây ra đổ vỡ các mối quan hệ xung quanh, làm tổn thương mình và làm tổn thương người.
Trong một cái giai đoạn rất là dài mà phiền não nó chiếm cứ hoàn toàn, nó chủ động hoàn toàn, nó làm cho phẩm chất đời sống của chúng ta đi xuống thì chúng ta nên đặt cách ban cho mình một cơ hội để được đến một trung tâm tu tập, một trung tâm thiền, một thiền viện, một nơi mà có một cộng đồng thực tập rất là vững chãi.
Để mình được đánh thức, mình được nhắc nhớ rằng mình không phải là một con người cũ kỹ ở ngoài kia không, mà mình còn là một con người tỉnh thức nữa.
6) NHÌN VÀO THỰC TẠI GIÂY PHÚT NÀY
Đại chúng nhớ nha, thiền nó khác tất cả những truyền thống khác là có nhìn lại, nhưng mà cái phần nhìn lại nó không quan trọng bằng nhìn vào giây phút hiện tại, nhìn cái đang diễn ra nè.
Giây phút này mình có thể sống với chất thánh, hoặc là mình có thể sống với chất phàm, mình phải nhìn ra, mình phải biết không được lờ mờ, không được ảo tưởng, không được đánh giá thấp.
Đừng đề sau một trận bể dâu, một cuộc thăng trầm nghiệt ngã, một cú sốc nặng rồi mới bắt đầu nhìn lại, trễ tràng không còn kịp nữa,
Nhìn lại chỉ là phần phụ thôi, trong sư tu luyện nhìn vào thực tại giây phút này. Khi mình đang tiếp xúc với ngoại cảnh, tiếp xúc với con người mới là giây phút đáng nhìn nhất, mới là giây phút cần phải tỉnh thức nhất.
7) KHI TÂM BÌNH AN TA NHÌN THẾ GIỚI ĐÂU ĐÂU CŨNG ĐẸP
Chắc là mình phải bầm dập lắm mình mới thấm thía cái câu này, chứ còn bây giờ mình vẫn chạy theo thành với bại, được với mất, hơn với thua.
Còn ở bên ngoài nhiều lắm, không biết tới lúc nào mình mới quay vào bên trong để bớt chú trọng cái bên ngoài, để gìn giữ từng chút từng chút tâm bình an của mình.
Giữ tâm không giữ cảnh, hoặc là giữ tâm nhiều hơn giữ cảnh thì đã quý nắm rồi và tâm bình, cảnh cũng bình.
Sẽ tới một lúc nào đó chúng ta sẽ giác ngộ được rằng, khi tâm bình an hết phiền não hoặc quản chế được phiền não, thì nhìn thế giới này đâu đâu cũng xinh đẹp, đâu đâu cũng màu nhiệm, đâu đâu cũng đáng sống, đâu đâu cũng bình an.
Trích từ pháp thoại của sư Minh Niệm