Từ quán

 

Thương yêu, trước hết là chấp nhận chính mình như mình đang là. Vì vậy, trong từ quán, “hiểu mình” là yếu tố đầu tiên của sự thực tập. Hiểu được mình, chúng ta sẽ biết được những điều kiện làm nên con người mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận chính mình, chấp nhận những khổ đau lẫn hạnh phúc của mình.

Một ngày kia, vua Ba Tư Nặc hỏi hoàng hậu Mallika: “Hoàng hậu, trong thế gian này, có ai thương hoàng hậu như hoàng hậu thương mình không?” Hoàng hậu cười và đáp lại bằng một câu hỏi khác: “Tâu hoàng thượng, trong thế gian này, có ai thương hoàng thượng hơn hoàng thượng thương bản thân mình không?” Rồi một ngày nọ, họ kể cho Bụt nghe câu chuyện đó và Bụt nói: “Đúng rồi. Trên thế gian này không có ai thương mình hơn chính mình thương mình. Tâm chúng ta đi khắp mười phương thế giới nhưng sẽ không tìm thấy ai khác để yêu thương hơn chính nó. Khi hiểu được yêu thương chính mình quan trọng như thế nào, chúng ta sẽ không làm cho người khác đau khổ nữa.”

Metta nghĩa là “từ”. Chúng ta bắt đầu với lời nguyện: “Mong sao cho con được…” Kế tiếp, chúng ta nâng dần cấp độ những lời nguyện của mình lên, nhìn sâu vào tất cả những đặc tính tích cực và tiêu cực của đối tượng thiền quán, mà trong trường hợp này, là chính bản thân mình. Thiện chí thương yêu chưa thật sự là thương yêu. Chúng ta cần nhìn sâu với cả con người chúng ta để có thể hiểu được thương yêu là gì. Không phải chúng ta lặp đi lặp lại những từ ngữ thương yêu, hay bắt chước người khác, hoặc cố gắng để đạt được vài lý tưởng nào đó là chúng ta biết thương yêu. Thực tập từ quán cũng không phải là tự kỷ ám thị. Không phải chúng ta ngồi đó mà nói rằng: “Tôi thương mình. Tôi thương tất cả mọi người mọi loài.” Chúng ta phải nhìn sâu vào thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của chúng ta. Trong vài tuần, nguyện ước thương yêu của ta sẽ trở thành một ước muốn sâu sắc. Tình thương sẽ đi vào những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, chúng ta sẽ thấy thân tâm mình trở nên bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn. Chúng ta được an toàn, không vướng vào tai nạn, giận dữ, phiền não, sợ hãi và lo âu.

Khi thực tập, chúng ta cần quán chiếu để biết mình có được bao nhiêu bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng. Chúng ta có lo lắng về những tai nạn, rủi ro hay không, trong ta có bao nhiêu sự giận dữ, bực dọc, sợ hãi, băn khoăn, lo lắng? Ý thức được những cảm thọ trong ta, ta sẽ hiểu chính mình sâu hơn. Ta sẽ hiểu được rằng chính những sợ hãi, bất an góp phần vào những nỗi buồn khổ của ta. Qua đó ta sẽ thấy được giá trị của việc yêu thương chính mình và nuôi dưỡng một trái tim từ bi.

Trong từ quán, giận dữ, phiền não, sợ hãi và lo lắng thuộc tâm hành bất thiện và tiêu cực, chúng lấy đi bình an và hạnh phúc của ta. Giận dữ, sợ hãi, lo lắng, thèm khát, thù hận và vô minh là những phiền não lớn trong thời đại của chúng ta. Nhưng bằng cách sống chánh niệm, chúng ta có thể đối diện với chúng, chuyển hóa chúng để tình thương của ta trở thành hành động thiết thực.

Thực tập

Đây là một bài thiền tập được phỏng theo tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Buddhaghosa, hệ thống hóa những lời dạy của Bụt vào thế kỷ thứ năm sau Thiên chúa giáng sinh.

Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng.

Mong sao cho tôi được sống an toàn, không vướng vào tai nạn.

Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng.

Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu.

Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc.

Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi.

Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui

Mong sao cho tôi được sống tươi vui, vững chãi và thảnh thơi

Mong sao cho tôi không rơi vào thái độ dửng dưng và không kẹt vào hai mặt vướng mắc và ghét bỏ.

Để thực tập từ quán, chúng ta ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, theo dõi hơi thở và đọc thầm những lời nguyện đó. Ngồi là một tư thế thích hợp cho sự thực tập này. Khi ngồi yên, chúng ta không bị bận rộn bởi những vấn đề khác. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn sâu vào chính mình, chấp nhận mình như mình đang là, tưới tẩm, vun trồng tình thương cho chính mình và tìm cách hay nhất để bày tỏ tình thương với mọi người mọi loài.

Chúng ta bắt đầu thực tập từ quán từ chính mình (Mong sao cho tôi…). Không có khả năng thương mình và chăm sóc chính mình thì chúng ta không thể giúp ai được cả. Sau khi thực tập với tự thân, chúng ta mới thực tập với những người khác. (Mong sao cho người ấy/họ được bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng, trong thân và trong tâm). Trước hết, chúng ta thực tập với người mình thích, sau đó với người bình thường, rồi đến người mình thương và cuối cùng là người làm khổ mình.

Theo lời Bụt dạy, con người được làm nên từ năm yếu tố, gọi là skandhas (uẩn) theo tiếng Sanskrit. Năm uẩn đó là sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và ý thức. Trong đó, chúng ta là thầy địa lý và năm uẩn là lãnh thổ của chúng ta. Để biết được tình trạng thật sự đang xảy ra trong ta, ta phải biết được lãnh thổ của mình, kể cả những yếu tố bên trong đang đấu tranh với nhau. Để có được sự hòa hợp, hòa giải và trị liệu cho tự thân, chúng ta phải hiểu được chính mình. Quán chiếu, lắng nghe sâu và nghiên cứu lãnh thổ của mình là bước khởi đầu để thực tập từ bi quán.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn sâu vào sắc thân và đặt câu hỏi: Sắc thân tôi bây giờ như thế nào? Trong quá khứ sắc thân tôi đã như thế nào? Và sẽ như thế nào trong tương lai? Sau đó, chúng ta thiền quán về người ta thích, rồi đến người bình thường, kế đến là người ta thương và cuối cùng là người ta ghét. Chúng ta cũng bắt đầu quán chiếu về sắc thân của người đó. Theo dõi hơi thở vào – ra, quán tưởng về khuôn mặt của người đó, cách người đó đi, đứng, nói, cười, rồi quán chiếu về tình trạng tim, phổi, thận, tất cả các cơ quan nội tạng của người đó. Chúng ta cần đủ thời gian để quán chiếu và ý thức về những chi tiết này. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng sự thực tập phải luôn bắt đầu bằng chính mình. Khi chúng ta thấy rõ về năm uẩn của chính mình thì thương yêu, hiểu biết sẽ phát sinh một cách tự nhiên, chúng ta sẽ biết được những gì nên làm và không nên làm.

Nhìn sâu vào sắc thân để thấy mình có an lạc không, hay là đang đau khổ vì bệnh tật. Nhìn vào những tình trạng của phổi, tim, gan, ruột, thận… để thấy chúng đang như thế nào và ta cần phải chăm sóc chúng cho đàng hoàng hơn. Cách chúng ta ăn, uống, hành xử, nói năng, làm việc chứng tỏ là ta có tình thương và từ bi với ta không. Thông thường, chúng ta hành xử theo những tập khí thâm căn cố đế của mình, nhưng khi nhìn sâu chúng ta thấy rằng quả là có nhiều tập khí đã tàn hại thân tâm mình. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách chuyển hóa những tập khí đó để có một sức khỏe tốt và sinh lực tràn đầy.

Tiếp theo, chúng ta quán chiếu về cảm thọ của mình, chúng ta đang có lạc thọ, khổ thọ hay trung tính. Những cảm thọ trôi chảy trong ta như một dòng sông và mỗi cảm thọ là một giọt nước trong dòng sông ấy. Nhìn vào dòng sông cảm thọ để thấy được mỗi cảm thọ hình thành như thế nào. Điều gì ngăn cản hạnh phúc của mình và thực tập hết lòng để chuyển hóa chúng. Tập tiếp xúc với những yếu tố mầu nhiệm, tươi mát, trị liệu có sẵn trong ta và chung quanh ta. Thực tập như vậy, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, có khả năng thương yêu chính mình và người khác hơn.

Sau đó, chúng ta thiền quán về những tri giác của mình. Bụt đã quán chiếu và thấy được rằng: “Người đau khổ nhất trên đời là người có nhiều tri giác sai lầm và hầu hết những tri giác của chúng ta là sai lầm.” Trong bóng tối, thấy một con rắn, chúng ta hoảng sợ và la lên, nhưng khi có một người rọi đèn pin vào, thì ta thấy đó chỉ là một sợi dây thừng. Chúng ta phải biết những tri giác sai lầm nào làm mình đau khổ. Chúng ta phải viết xuống câu thần chú: “Có chắc không?” thật đẹp trên một mảnh giấy, đính lên tường để quán chiếu và thực tập. Từ quán giúp chúng ta học cách nhìn nhận sự vật, sự việc một cách rõ ràng và bình thản, đồng thời cải thiện được cách nhận thức của mình.

Tiếp theo là quán chiếu những tâm hành, những ý niệm, khuynh hướng thúc đẩy mình nói và hành xử. Thực tập nhìn sâu để khám phá thực tánh của các tâm hành ấy. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi ý thức cá nhân và ý thức chung của mọi người trong gia đình, tổ tiên, xã hội như thế nào? Thực tập quán chiếu, chúng ta sẽ thấy được những tâm hành bất thiện gây cho ta nhiều rối loạn, khổ đau; trong khi đó, những tâm hành thiện sẽ mang lại cho ta nhiều tình thương, hạnh phúc và giải thoát.

Cuối cùng, chúng ta quán chiếu về thức. Theo lời Bụt dạy, thức giống như một thửa ruộng trong đó có đủ loại hạt giống: hạt giống từ, bi, hỷ, xả; hạt giống giận dữ, sợ hãi, lo lắng và hạt giống chánh niệm. Thức là một cái nhà kho chứa đựng tất cả những hạt giống, tất cả mọi khả năng có thể phát khởi lên trong tâm ý mình. Nếu tâm mình bất an, đó có thể là do những ham muốn và những cảm thọ trong tàng thức sai sử. Để sống an lạc, chúng ta phải ý thức về những khuynh hướng, những tập khí trong ta để thực tập chuyển hóa và có khả năng làm chủ chính mình. Đây là sự thực tập bảo hộ để chăm sóc thân tâm được lành mạnh. Chúng ta phải nhìn sâu vào bản chất những cảm thọ để tìm cho ra gốc rễ của nó, để thấy được những cảm thọ nào cần phải chuyển hóa, những cảm thọ nào mang lại an vui và lành mạnh cần nuôi dưỡng.

Trích từ sách Gieo trồng hạnh phúc - Thích Nhất Hạnh

Gieo trồng hạnh phúc - Thích Nhất Hạnh

 

# Sách gieo trồng hạnh phúc, # happy happy, # Học thiền, # Tập ngồi thiền, # Thiền, # Thực hành thiền, # Thiền hành, # Thiền buông thư, # Thiền trong đời sống, # Sống hạnh phúc, # Thích Nhất Hạnh, # chữa lành, #healing, # trầm cảm, # quay vào bên trong, # sách chữa lành, # chữa lành những tổn thương, # tâm lý, # Hạnh phúc bền vững, # Chánh niệm, # Trị liệu