- 1) HÃY LẮNG NGHE NGƯỜI THÂN
Có một công việc quý giá trong cuộc đời này để chọn á, thì tôi đề nghị bạn nên chọn làm sứ giả của lắng nghe. Nhất là trong thời đại bây giờ, người ta không còn biết lắng nghe nữa. Người ta mất đi cái thiên chức quý giá của con người, đó là lắng nghe sâu, nghe tận nguồn cơn những khó khăn, nỗi khổ, niềm đau của người khác.
Tiếc thay là những người sống, những người thương sống bên cạnh mình, họ không có cái diễm phúc để được mình lắng nghe họ. Những người lắng nghe họ là người ở bên ngoài đường không à — những người bạn ở bên ngoài, những người ở trên mạng.
Còn mình là người có rất nhiều ân tình với họ, họ cũng rất là biết ơn mình, hoặc là họ là người ân tình của mình, cho mình rất nhiều. Nhưng mà cay đắng thay là mình không có khả năng lắng nghe.
Mình không có khả năng lắng nghe là tại vì mình hung hăng quá, bản ngã mình to đùng, vì mình độc tài, mình độc đoán, mình chỉ biết đàn áp, mình chỉ biết ép buộc thôi — chứ cuộc đời mình chưa bao giờ biết lắng nghe ai hết.
- 2) PHIỀN NÃO
Phiền não là gì?
Là những phản ứng tâm lý để bảo vệ cái tôi của mình.
Dĩ nhiên là chúng ta cũng cần bảo vệ chính mình, chúng ta cần vun đắp cho chính mình, tại vì đó là hai cái bản năng cơ bản của con người: bản năng sinh tồn và bản năng tự vệ.
Nhưng vì chúng ta không có đủ nội lực, năng lượng suy sụp, và cái nhận thức không còn bén nhạy nữa, không còn chính xác nữa, cho nên chúng ta đã phản ứng một cách quá mức, không cần thiết — thậm chí là cực kỳ nhạy cảm.
- 3) HỌC CÁCH SỐNG CHẬM ĐỂ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC
Khi chúng ta thiền tập á, có nghĩa là chúng ta đang bắt đầu sống kỹ lại, sống chậm lại.
Các vị đừng có ngại là mình sống chậm là mình sẽ thua người khác. Chúng ta đang cần chất lượng.
Uống một chén trà, trong vòng 3 phút hay là 5 phút, có chất lượng — ít nhưng mà có chất lượng.
Mình không cần uống nhiều chén trà. Mình không cần uống chén trà xong rồi uống chén cà phê, rồi ăn chén chè.
Không cần nắm bắt nhiều thứ. Cái đó chỉ thoả mãn cái "cơn" thôi — cơn thèm khát thôi.
Còn nếu mà mình uống một chén trà cho nó tử tế, ngồi đàng hoàng, điềm tĩnh thưởng thức từng ngụm trà, cảm nhận từng hương tới vị của trà...
Và bên cạnh mình có những thân yêu, một buổi sáng đẹp trời, nghe chim hót, nhìn hoa nở — tâm nó lắng yên như vậy thì tự nhiên nó hạnh phúc.
- 4) MỖI VẾT THƯƠNG LÀNH MỘT NỖI VUI
nên tập chấp nhận những đối tượng nào dễ nhất, rồi hơi khó một chút, rồi từ từ mới tới đối tượng khó nhất,
Rất nhiều người, trong quá trình tu luyện mà vẫn cứ tiếp tục khổ đau, là vì cái tâm mong cầu đi về đích.
Cũng giống như trong quá trình trị liệu về tâm lý á, thì cái vết thương lành tới đâu là mình phải mừng tới đó, chứ đừng có đợi cái vết thương nó lành hết rồi mình mới mừng.
Thì mình sẽ tạo ra cái sự căng thẳng, và cái sự coi thường với những cái thành tựu đã có.
Trong quá trình tu luyện cũng vậy, đi được bước nào, mừng cái bước đó, chứ không phải đi 10 bước rồi mình mới mừng.
Giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói là: "Mỗi vết thương lành, một nỗi vui."
Vậy thì trước khi bạn có thể đạt được cái khả năng là chấp nhận được hết mọi đối tượng, thì bạn phải chấp nhận được chính bạn trước — chấp nhận những yếu kém, những giới hạn, những phiền não bất chợt của mình.
Sau khi bạn chấp nhận được chính mình rồi, bạn mới chấp nhận những đối tượng đó dễ.
Cho nên mình nên tập chấp nhận những đối tượng nào dễ nhất, rồi hơi khó một chút, rồi từ từ mới tới đối tượng khó nhất.
- 5) SỐNG TRỌN VẸN TRONG MỖI GIÂY PHÚT
Chúng ta có trải nghiệm mới, đó là sống trọn vẹn trong mỗi giây phút.
Mỗi giây phút là cơ hội để mình được trở về, để mình cảm nhận sự sống đang đi ngang qua mình, để mình kết nối sâu vào lòng đời sống.
Như là khi uống trà, mình cũng cảm nhận được hương trà, vị trà rất khác với mọi ngày.
Khi mình ăn cũng vậy — cảm nhận được mùi vị của thức ăn. Mặc dù thức ăn rất là đơn sơ nhưng mà mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy rất ngon.
Rồi mình đi những bước chân chậm rãi, mình cũng cảm thấy nhẹ nhàng và bình yên!
- 6) CUỘC ĐỜI NÀY KHÔNG CHỈ LÀ TOÀN MÀU HỒNG
Chúng ta mơ ước cuộc đời này chỉ toàn là màu hồng thôi, chỉ toàn là những thuận duyên thôi.
Nhưng mà những người sống lâu trong cuộc đời này, ít nhất là từ 40 tuổi trở lên, đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, nhìn chặng đường đi qua — kể cả bây giờ họ đạt tới mục tiêu lớn trong cuộc đời, tới đỉnh vinh quang, họ đang rất là hạnh phúc — thì họ phải thừa nhận rằng:
Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, họ đã phải chịu bầm dập, lên bờ xuống ruộng theo những biến cố của cuộc đời.
Và khi bạn, dù là ai, có mặt trong cuộc đời này, tham dự vào trong cuộc đời này — thì bạn cũng phải như thế.
- 7) QUAY VỀ NƯƠNG TỰA VÀO CHÍNH MÌNH
Nương tựa vào các pháp ở bên ngoài, các đối tượng ở bên ngoài, không bền vững, không chắc chắn được.
Mình có thể sử dụng nó, mình cần nó — nhưng mà đừng có dựa vào nó, đừng kẹt vào nó.
Đó là vấn đề.
Mà muốn không dựa vào nó, không kẹt vào nó, thì mình phải quay về nương tựa mình là chính.
Còn các đối tượng bên ngoài là phụ thôi.
Dù người đó là người mình thương nhất trên đời, thì cũng chỉ là phụ thôi.
Mình mới là người chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời của mình, không ai hết ngoài chính mình.
Tại vì quý vị nhớ là:
Khi mình đau á, có ai chịu đau thế cho mình không?
Khi mình bệnh đau, nhiều lắm thì nấu cho tô cháo hành, mua thuốc...
- 8) THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TỬ TẾ?
Người tử tế là người có tấm lòng đẹp, biết nhường nhịn, biết yêu thương, biết nâng đỡ kẻ khác. Một người tử tế là một người ít ứa ra những chất độc, rác rến gây tổn hại, tổn thương cho người khác.
Và đặc biệt nhất, là những người ân nhân, những người thân sống xung quanh mình.
Tôi hỏi các em nè, ở cái tuổi đôi mươi này, các em đã làm gì cho gia đình của mình?, cho những người thân của mình? Hay là các em nghĩ rằng phải đợi khi các em ra trường, rồi kiếm thật nhiều tiền, rồi các em dắt cha mẹ các em đi du lịch, rồi ăn những món ăn thượng hạng trong nhà hàng 5 sao, rồi các em mua nhà mua cửa cho cha mẹ – như vậy gọi là các em hiếu thảo và yêu thương cha mẹ của mình?
Trong khi tôi tin rằng, người lớn, các bậc phụ huynh, cha mẹ của các em, chỉ mong các em trở thành người dễ thương trước.
- 9) THƯƠNG YÊU LÀM SAO ĐỂ CẢ 2 CÙNG HẠNH PHÚC
Nhiều khi, thương yêu chỉ là một nhu cầu của bản năng thôi.
Làm một con người, cho nên là muốn được thương yêu, và cần được thương yêu. Mình muốn được thương yêu một người nào đó, và mình muốn người nào đó thương yêu lại mình.
Thương yêu có khi chỉ để lấp đầy một nỗi cô đơn. Mình cần có sự sẻ chia, đồng hành. Tức là mình có cái nhu cầu nhiều hơn là đối phương có nhu cầu.
Và có thể nói là, một trong những điều mà mình không làm tốt được, một trong những công việc mà mình làm hoài mà cứ thất bại hoài, đó là: thương yêu một người nào đó để mình có hạnh phúc, và người ấy cũng có hạnh phúc.
- 10) GIÚP NGƯỜI THƯƠNG TỰ TẠO BÌNH YÊN BÊN TRONG
Mình làm cho người thương mình bình yên thì đã khó lắm rồi,
mà giúp người thương mình tự họ làm cho họ có bình yên nữa là điều vô cùng khó.
Mà nếu làm được, theo tôi, mình là người thương đích thực của họ rồi.
Tại vì không có mình, họ vẫn sống rất tốt.
Hay là... mình không muốn điều đó?
Mình không muốn người thương mình sống tốt khi không có mình?
Như vậy, tình thương của mình nó mang bóng dáng của sự ích kỷ mất rồi.
Mình muốn người thương mình lúc nào cũng bình an và hạnh phúc hết.
Vậy thì, một trong những trách nhiệm, bổn phận, hay nói dễ thương hơn —
một trong những món quà lớn,
cái điều mình nên làm,
cần thêm vào,
có thể trong lúc này đó—
Đó là giúp người thương mình quay về,
để tạo cái bình yên bên trong của họ.
- 11) VÌ SAO CHÚNG TA KHỔ ĐAU?
Chúng ta khổ nhiều là tại vì chúng ta bị thu hút vào cái khổ đau nhiều quá.
Chúng ta chỉ có một cái khổ đau thôi, mà suốt ngày chúng ta bị thu hút vào đó, chưa từng tách ra được.
Vì chưa tách ra được, cho nên chúng ta tưởng cuộc đời chúng ta chỉ là những cái khổ đau đó thôi.
Trong khi, chúng ta có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc.
Và khi thoát ra được khổ đau rồi đó, thì chúng ta mới bắt đầu trân quý những điều kiện hạnh phúc còn lại.
Cho nên, khổ đau nó là một cái điều kiện cần để nhắc cho chúng ta nhớ cái gì là hạnh phúc.
Những điều kiện hạnh phúc mình đang có, hãy cố gắng giữ gìn.
- 12) TRỞ VỀ VỚI HƠI THỞ
Và quý vị hãy tận dụng việc thực tập trở về với hơi thở, ở bất cứ nơi đâu. Những lúc mà mình phát hiện ra mình căng thẳng, bị cuốn vào ngoại cảnh hay là bị phiền não nhấn chìm, thì phải lập tức tìm cách thoát ra. Tìm một chỗ để ngồi yên xuống, để thả lỏng, thư giãn, để mỉm cười, để trở về với hơi thở.
Và dĩ nhiên là có được hơi thở tự nhiên là quá tốt. Nhưng mà nếu lúc đó không có được hơi thở tự nhiên thì ít ra đó phải là hơi thở sâu và chậm. Hoặc là mình sử dụng hơi thở sâu và chậm trong những hơi thở đầu tiên thôi, rồi sau đó lại trở về với hơi thở tự nhiên.
Tập hơi thở tự nhiên cho thuần thục đi quý vị, để chúng ta có được chất liệu, có được kỹ thuật để đi vào nội tâm, để khám phá những gia tài quý báu còn lớn hơn ở bên trong nữa.
- 13) LUÔN SỐNG VÀ YÊU THƯƠNG TRONG TỈNH THỨC
Trong đạo Phật thì luôn hướng dẫn, luôn nhắc nhở chúng ta làm sao sống trong tỉnh thức, làm cái gì cũng phải tỉnh táo, cũng phải sáng suốt, phải biết mình đang làm cái gì? Mình đang đứng trên con đường nào? Và mình sẽ đi về đâu?
Thì yêu thương cũng vậy, khi mình yêu thương thì mình cũng phải tỉnh táo, mình cũng phải nhận biết mình đang trong một cái tâm thế như thế nào? Và đối tượng thương yêu của mình như thế nào? Và liên hệ tình cảm giữa mình và người ấy như thế nào? Và kết quả sẽ đi về đâu? Nhưng mà khổ nỗi, khi yêu là người ta bắt đầu mụ mị, bắt đầu là mù quáng, nhìn mà không thấy gì hết và bắt đầu khư khư bảo vệ cái quan điểm của mình và khư khư bám chặt lấy đối tượng thương yêu của mình, mà không đủ sức để lùi lại một bước quan sát xem thái độ mình đang thương yêu kiểu nào? Và đối tượng thương yêu của mình là con người như thế nào?
----
Trích từ pháp thoại của sư Minh Niệm
Hãy cùng Daykemtainha.vn chia sẻ những điều tốt đẹp đến với nhiều người để cuộc sống này tốt đẹp hơn.